Tăng cường quản lý dịch bệnh thủy sản

08:05, 20/05/2020

Chăn nuôi thủy sản ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên thời gian gần đây, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, ở một vài khu vực, địa phương môi trường nuôi bị ô nhiễm nên xuất hiện tình trạng một số con nuôi thủy sản bị chết, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người nuôi. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh trên thủy sản đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương tích cực thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản, góp phần giành sản xuất thủy sản thắng lợi.

Việc kiểm tra đàn tôm nuôi được người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện các loại dịch bệnh phát sinh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Việc kiểm tra đàn tôm nuôi được người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện các loại dịch bệnh phát sinh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh ước đạt 16.215ha, trong đó nuôi mặn lợ 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha. Diện tích nuôi tôm 3.660ha, tập trung tại vùng nuôi của huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; diện tích nuôi ngao 1.980ha tập trung tại Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa, rét đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh đang lưu hành trong môi trường cũng như trong một số quần thể con nuôi thủy sản phát sinh, phát triển gây ra dịch bệnh và lây lan nhanh. Bên cạnh đó, cuối năm 2019 tình trạng ngao chết hàng loạt tại một số vùng nuôi tại huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy… vẫn tiềm ẩn mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường. Hơn nữa, quy mô, phương thức nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, xử lý môi trường nuôi vẫn còn nhiều. Qua kết quả lấy mẫu giám sát dịch bệnh thủy sản trên 90 mẫu tôm và 88 mẫu nước ao nuôi tôm của cơ quan chuyên ngành cho thấy, có 2 mẫu tôm dương tính với bệnh đốm trắng, 15 mẫu tôm dương tính với bệnh hại gan tụy cấp; một số chỉ tiêu mẫu nước nằm ngoài ngưỡng cho phép trong nuôi tôm như: độ mặn 11 mẫu, pH 1 mẫu, độ kiềm 5 mẫu, NH3 2 mẫu, NO2 39 mẫu... Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật tỉnh, đồng thời ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng dịch trên đàn vật nuôi, nuôi thủy sản tại các địa phương. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, giám sát dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Cùng với đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm và các quy định có liên quan; các nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, việc sử dụng chất cấm đối với chăn nuôi thủy sản, môi trường và sức khỏe con người. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh và các quy định về an toàn thực phẩm gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ có truy suất nguồn gốc; tích cực hỗ trợ, khuyến khích các trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; nỗ lực xây dựng các cơ sở nuôi, vùng nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp phòng và giám sát, phát hiện dịch bệnh cho người nuôi thủy sản, sản xuất, kinh doanh con giống, thuốc thú y. Tăng cường thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản, quản lý chất lượng con giống thủy sản nhập vào tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin thị trường, định hướng phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch vùng nuôi và đối tượng con nuôi bảo đảm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các loại vật tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo đảm thị trường minh bạch, chất lượng các loại vật tư tốt, góp phần nâng cao khả năng phòng bệnh cho các đối tượng con nuôi thủy sản. Anh Mai Ánh, xóm Xuân Phong, xã Hải Hòa (Hải Hậu) có 1,4ha ao nuôi cá lóc bông và tôm thẻ chân trắng cho biết: Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, giám sát dịch bệnh trên tôm do Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Ban Nông nghiệp, Hội Nông dân xã tổ chức, tôi đã có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý môi trường ao nuôi, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh trên tôm, cá. Nhờ làm tốt việc phòng chống dịch bệnh nên năm 2019, mặc dù là vụ nuôi tôm đầu tiên nhưng gia đình tôi đã lãi 70-80 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư. Kết quả đó giúp tôi yên tâm tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nuôi thủy sản, tạo thêm thu nhập cho gia đình…  Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản còn phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương chủ động thực hiện giám sát một số bệnh nguy hiểm khác ở động vật nói chung, chăn nuôi thủy sản nói riêng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu các giải pháp phòng bệnh hiệu quả; tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; lấy mẫu bệnh phẩm động vật thủy sản tại những khu vực có nguy cơ cao để xét nghiệm, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh; phân công cán bộ phụ trách địa bàn và tiếp nhận những phản ảnh của người nuôi về môi trường, dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng trừ, khắc phục hiệu quả.

Việc tăng cường công tác giám sát, phát hiện và quản lý tốt dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay là yếu tố quyết định đến việc duy trì, phát triển chăn nuôi thủy sản, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com