Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản sau khai thác. Do đó, thời gian qua, ngành khai thác thủy sản đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngư dân huyện Nghĩa Hưng khai thác thủy sản trở về bến cá Quần Vinh. |
Theo quy chuẩn của Bộ NN và PTNT, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản đánh bắt, chế biến, thu mua và vận chuyển thủy sản, được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu cá đang hoạt động, đóng mới, cải hoán có công suất từ 90 CV trở lên. Thiết bị làm lạnh phải có công suất đủ mạnh để giữ thủy sản trong kho ở nhiệt độ bảo quản thích hợp và ổn định, có nhiệt kế được lắp đặt đúng cách để theo dõi nhiệt độ của kho. Hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt và có nắp đậy khi cần thiết, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, khử trùng và thường xuyên được giữ gìn sạch sẽ, hợp vệ sinh. Hải sản khai thác phải duy trì được nhiệt độ lạnh theo yêu cầu cho đến khi bốc dỡ. Hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản. Trong kho lạnh, hải sản phải được kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản của từng lô và phải được bảo quản đúng nhiệt độ quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận ngư dân trên địa bàn tỉnh sau khi khai thác hải sản sẽ rửa sạch, để ráo nước rồi đưa vào hầm lạnh, đến ngày tàu cập cảng sẽ vận chuyển lên bờ để tiêu thụ. Việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển cũng chưa được ngư dân quan tâm thực hiện thường xuyên. Hầu hết ngư dân chỉ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển; còn đá lạnh thì vẫn tái sử dụng. Do kinh phí đầu tư cao nên nhiều ngư dân chưa quan tâm đầu tư công nghệ và trang thiết bị bảo quản. Mặc dù, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhưng hiện có rất ít tàu cá trang bị hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU (bọc inox và phun PU-Polyurethane).
Trước thực trạng đó, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ngoài ra, đối với tàu cá có chiều dài dưới 15m sẽ hướng dẫn chủ tàu viết cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT. Tính đến ngày 10-3-2020, Chi cục Thủy sản đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá cho 30 tàu cá có công suất trên 90 CV. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và lấy mẫu thủy sản khai thác trên tàu cá và ở các cơ sở thu mua cá để xét nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngư dân có sử dụng các chất bảo quản bị cấm. Sau khi lấy mẫu đi phân tích, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng các chất cấm để bảo quản sản phẩm trong quá trình đánh bắt. Sở NN và PTNT cũng thường xuyên nhắc nhở chủ các tàu thuyền nâng cao ý thức, trách nhiệm; khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ngân hàng để nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu, thuyền; phát triển các tàu dịch vụ để vận chuyển, cung ứng vật tư, nhiên liệu cũng như đưa sản phẩm vào đất liền, nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu. Bên cạnh đó, mỗi tàu cá đều xây dựng nội quy riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá; phổ biến cho các thuyền viên về công tác vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa, dụng cụ chứa… sau mỗi chuyến đi biển; quy định rõ phương pháp, tần suất làm vệ sinh cho phù hợp với từng loại tàu cá. Đặc biệt, mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thủy sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển. Việc bốc dỡ và vận chuyển thủy sản lên bờ phải tiến hành cẩn thận và nhanh chóng, không làm thủy sản bị dập nát hay bị nhiễm bẩn trong quá trình thao tác. Sau khi dỡ hàng, bề mặt của khoang chứa, dụng cụ chứa, sàn tàu phải được vệ sinh và khử trùng cẩn thận. Ngoài ra, Sở NN và PTNT cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá nói riêng và trong lĩnh vực thủy sản nói chung; khuyến khích ngư dân đánh bắt vùng biển xa thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tương trợ nhau trong quá trình đánh bắt cũng như bảo quản sản phẩm; khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản thủy sản sau khai thác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa