Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, thời gian qua các ngành chức năng các địa phương đã quan tâm triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) nên đã có sự chuyển biến tích cực của ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu và thuyền trưởng. Tuy nhiên, để góp phần xóa bỏ “thẻ vàng” của EC vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và nhất là việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU của ngư dân trong quá trình sản xuất.
Kiểm soát chặt việc ra, vào của các tàu cá tại Cảng cá Ninh Cơ góp phần thực hiện việc chống khai thác IUU. |
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác thủy sản, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự bảo vệ ngư dân khai thác trên biển, đặc biệt là nạn trộm cắp lưới, ngư cụ của ngư dân. Tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập bến ngoài tỉnh; phối hợp chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng liên quan để phát hiện, xử lý các hành vi khai thác IUU, không để xảy ra việc tàu cá và ngư dân của tỉnh đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển được duy trì hoạt động thường xuyên nhằm kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng và kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU theo quy định. Sở NN và PTNT đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão Hà Lạn (Giao Thủy) để tạo điều kiện cho tàu cá trong và ngoài tỉnh thuận tiện ra, vào cảng bốc dỡ hàng hóa thủy sản, neo đậu tránh trú bão. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp các bến cá dân sinh tự phát thành cảng cá loại III nằm trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ tích cực hướng dẫn ngư dân ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, phân công cán bộ thường xuyên giám sát sản lượng khai thác thủy sản các tàu cá khi cập cảng, thống kê số lượng tàu cập, rời cảng theo quy định. Bên cạnh đó, việc lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cũng được các địa phương và ngư dân tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể, đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp đặt được 37/39 tàu cá còn đang hoạt động. Đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m đã có 58 tàu lắp đặt thiết bị GSHT Movimar, còn lại 398 tàu chưa lắp. Các thiết bị GSHT sau khi lắp được chủ tàu, thuyền trưởng duy trì việc bật thiết bị khi hoạt động trên biển. Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản đã phân quyền, chia sẻ việc theo dõi, quản lý tàu cá cho Sở NN và PTNT; thường xuyên cập nhật thông tin tàu cá mất tín hiệu trên biển để kịp thời thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng biết để bật thiết bị. Ngoài ra, công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng được triển khai khá thuận lợi do người dân cơ bản đã hiểu và chấp hành đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản thường là sử dụng xung điện, kích thức mắt lưới nhỏ hơn quy định, quá hạn đăng kiểm, quá hạn giấy phép, không trang bị và vận hành thiết bị GSHT, không ghi, nộp nhật ký khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá sau khi cập các bến cá nhỏ lẻ, trước khi xuất bến và nhập bến không thông báo cho lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát, một số trường hợp vi phạm vùng biển Trung Quốc để khai thác hải sản trái phép. Hiện các lực lượng chức năng chưa kiểm tra, kiểm soát được 100% tàu cá xuất, nhập cảng; chưa xử phạt được trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất nhập bến còn nhiều khó khăn do có nhiều bến cá nhỏ nằm rải rác ven biển trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng, hoạt động kiêm nhiệm... Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn khó khăn do chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác. Công tác kiểm soát số lượng tàu xuất, nhập bến; việc nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá theo quy định mỗi chuyến đi biển phải nộp một lần của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn khi tỉnh ta mới có 2 cảng cá; nhiều tàu, thuyền thường ra, vào các bến cá dân sinh tự phát. Đặc biệt, đến thời điểm này vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào xin xác nhận và chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác; cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, ra vào của tàu cá có công suất lớn. Tiến độ lắp đặt thiết bị GSHT còn chậm (35 tàu cá làm nghề lưới kéo chưa lắp, mặc dù hạn cuối cùng là 1-1-2020 phải lắp xong); việc đảm bảo duy trì vận hành thiết bị GSHT của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn nhiều hạn chế do các chủ tàu chưa quan tâm đến việc đầu tư lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định; đội ngũ thuyền trưởng mới sử dụng thiết bị nên việc vận hành còn gặp khó khăn. Công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên gặp rất nhiều khó khăn do các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT theo đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển nhằm phát hiện và xử nghiêm các trường hợp vi phạm (14 hành vi vi phạm khai thác IUU theo Luật Thủy sản 2017) khai thác IUU. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý hoặc đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra khai thác IUU tại các cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kiểm soát được tàu xuất nhập cảng theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ lưu trữ đảm bảo truy xuất nhanh các tài liệu, hồ sơ về công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Phối hợp với cơ quan chức năng giám sát quá trình lắp đặt, kẹp chì và kiểm tra tín hiệu của thiết bị GSHT gửi về hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản; xử lý các tàu cá hoạt động khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định; phối hợp với lực lượng Biên phòng và các đơn vị có liên quan xác minh, xử lý tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu cá vượt qua ranh giới cho phép trên biển sau khi tàu về bờ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng căn cứ danh sách các tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT để đôn đốc, nhắc nhở các chủ tàu cá thực hiện theo quy định. Cương quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản hết hạn, không lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định. UBND các huyện ven biển tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm khai thác IUU khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức cho chủ tàu, thuyền trưởng về thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá của địa phương. Lập danh sách để tuyên truyền, hướng dẫn và theo dõi kiểm tra, yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT theo đúng quy định. Công khai trên loa truyền thanh xã, thị trấn đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Sở NN và PTNT duy trì việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá đủ điều kiện, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất khai thác thủy sản của ngư dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại