Tăng trưởng và phát triển kinh tế của năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, vừa là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2016-2020, vừa là năm giữ vai trò tạo nền tảng cho phát triển kinh tế của cả giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch COVID-19, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như kế hoạch tỉnh đã đặt ra là thách thức rất lớn… Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ để doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, chung sức cùng địa phương đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh). |
Các ngành, các địa phương đã triển khai các gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa, mọi chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ về vốn vay, các chế độ gia hạn nộp, miễn tiền chậm nộp thuế, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng và không tính lãi phạt chậm nộp, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, giảm giá điện và hỗ trợ tiền điện… Việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai thận trọng nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô để phát triển bền vững và kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra từ việc trục lợi chính sách. Tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tăng cường cung cấp thực hiện các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không tham mưu điều chỉnh tăng giá trong quý II-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý... Trong nước tạm thời kiểm soát được dịch bệnh nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp, vì vậy sức mua của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu không chỉ sụt giảm trong giai đoạn hiện tại mà còn tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, chủ yếu các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ (vận tải, ăn uống…); gia công sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn lại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dệt may, da giầy phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, xu hướng của các đối tác là giãn thời gian giao hàng, hoãn các đơn hàng trong các tháng 4, 5, 6 và chưa đàm phán đơn hàng những tháng cuối năm. Việc các doanh nghiệp dệt may lớn bị giảm sút, hủy bỏ đơn hàng dẫn tới thiệt hại của đơn vị cũng như các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở gia công. Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị khách hàng yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy đơn hàng khá cao; nhất là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu gần như không có đơn hàng mới trong quý II, quý III...
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm sút, Sở Công Thương đã tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, để hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động phương án ổn định, phát triển sản xuất, xây dựng kế hoạch cụ thể sau khi chấm dứt dịch bệnh, đặc biệt phải lường trước tình huống hàng hóa nước ngoài tồn đọng do dịch bệnh COVID-19 ồ ạt tràn vào với giá thấp. Sở Công Thương tập trung thực hiện các biện pháp mang tính cấp bách là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Theo dõi sát nhu cầu tiêu dùng của người dân, kiểm soát giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn, để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường. Hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng liên kết từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ để có chiến lược, kế hoạch giải phóng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa có lượng tồn kho lớn, sản phẩm nông nghiệp chính vụ. Mới đây, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hướng dẫn trực tuyến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh thông qua phần mềm thuongmainamdinh.vn. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh được kết nối với Sàn giao dịch điện tử của tất cả các tỉnh trong cả nước, do đó giúp người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm khi cần; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong tỉnh, mà trong phạm vi cả nước một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, nắm bắt cơ hội sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, tiết kiệm chi phí quản lý và theo dõi thông tin được thuận tiện, không bị rào cản bởi thời gian và không gian…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tập trung nắm thông tin về thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh và diễn biến tình hình nhập khẩu của các nước để hướng dẫn doanh nghiệp ổn định sản xuất, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác, phát triển các thị trường xuất khẩu mới để kịp thời thay thế, bổ sung các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi tác động của dịch bệnh COVID-19; tập trung vào các thị trường có sự kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp thực thi như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu để gia tăng xuất khẩu, gia tăng thu hút vốn FDI, nhằm bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy