Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, tiêu chí bảo vệ môi trường được các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện theo quy chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao theo hướng tiếp tục bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đáng ghi nhận trong cải tạo cảnh quan, lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn còn nhiều bất cập, đáng quan ngại là việc xử lý chất thải.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay dù 100% xã, thị trấn đã có hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhưng tỷ lệ thu gom mới ước khoảng 580 tấn/ngày, tương đương khoảng 88,4% tổng lượng rác thải ước phát sinh (khoảng 660 tấn/ngày). Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hợp tác chấp hành các quy định của địa phương về nộp phí dịch vụ vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải. Một số địa phương vẫn còn tình trạng đổ trộm rác ra ven đường, đê, kênh mương. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương do sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường từ các khu này. Đến nay, toàn tỉnh mới có 182/201 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt; trong đó có 73 xã, thị trấn xây dựng bãi chôn lấp, 109 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt. Trong hệ thống lò đốt rác thải, các địa phương đang sử dụng 8 loại lò, công nghệ vận hành tương đối giống nhau, phần lớn đều có công suất nhỏ từ 300-500kg/giờ. Tuy góp phần giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh nhưng trong quá trình hoạt động hệ thống xử lý khói thải của các lò đốt rác công suất nhỏ xuống cấp nhanh và không được đầu tư sửa chữa nên gây khói bụi. Các bãi chôn lấp rác tập trung đến nay cơ bản đã bị lấp đầy, việc xý rác thải chưa được thực hiện đầy đủ theo quy trình, kỹ thuật dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ.
Thu gom rác thải tại thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Để giải quyết bất cập kể trên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải xác định công tác xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trực tiếp là UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; từ đó huy động sự chung sức, vào cuộc của toàn thể chính quyền, nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải. Về lâu dài hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống công trình xử lý rác thải tập trung công nghệ tiên tiến hiện đại liên xã, liên vùng. Trước mắt ưu tiên việc chủ động phân loại rác thải, giảm tối đa lượng rác thải phát sinh ra các khu xử lý tập trung và tạm thời khắc phục các bất cập để duy trì hiệu quả hoạt động của các công trình xử lý rác thải quy mô nhỏ trong giai đoạn chưa đủ điều kiện đầu tư đồng bộ hệ thống công trình xử lý rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, các địa phương, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân, hộ gia đình hiểu rõ về quy định, trách nhiệm bảo vệ môi trường, công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn và sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung. Từ tháng 5 đến tháng 10-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức phát động phong trào nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp trong hoạt động sản xuất.
Các huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy trình, kỹ thuật trong xử lý rác thải tại bãi chôn lấp tập trung; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các xã, thị trấn tu sửa, cải tạo các lò đốt rác thải công suất nhỏ. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, uy tín và phải có chứng nhận đảm bảo chất lượng môi trường lắp đặt, thay thế hệ thống xử lý khói thải lò đốt rác. Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn phải lựa chọn vật liệu phù hợp với công trình, đảm bảo độ bền cao, chống ăn mòn axit và chịu được nhiệt; xây dựng bệ đỡ quạt hút chắc chắn, các thiết bị không cong vênh và phải đồng bộ với lò đốt; ống khỏi đảm bảo cao tối thiểu 20m, có điểm lấy mẫu khí thải và được gia cố chắc chắn đảm bảo sức gió mạnh xảy ra trong mùa mưa bão; trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn vận hành; đảm bảo hoạt động hiệu quả, ổn định. Đến nay, toàn huyện có 15 xã đã tiến hành thay thế ống khói cho hệ thống lò đốt rác công suất nhỏ, trong đó hệ thống xử lý khói thải lò đốt của nhiều xã đảm bảo hoạt động hiệu quả như: Hải Hà, Hải Thanh, Hải Anh, Hải Hưng... Từ nay đến tháng 12-2020 các huyện tập trung rà soát lại quỹ đất quy hoạch trên địa bàn căn cứ quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh và thực tế địa phương; đề xuất vị trí, địa điểm, diện tích dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên xã; dự kiến mỗi huyện lựa chọn 1-3 địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung; tiến hành cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; xây dựng kế hoạch, áp dụng các quy trình về đóng cửa, cải tạo, trồng cây xanh đối với các khu xử lý tập trung không đảm bảo về môi trường, quá tải... Toàn tỉnh đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025: 70% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyên đúng quy cách về nơi xử lý theo quy định. 95% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại nông thôn không sử dụng, đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Việc đầu tư xây dựng mới các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. 100% các huyện đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải tập trung công nghệ tiên tiến hiện đại liên xã, liên vùng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy