Hiện nay, thời tiết đang giao mùa, thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan. Để bảo đảm an toàn đàn vật nuôi của địa phương, góp phần bảo vệ sản xuất, giảm thiệt hại cho nông dân, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nhằm chủ động phòng ngừa hiệu quả các dịch bệnh.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Trực hướng dẫn cán bộ thú y xã sử dụng, bảo quản vắc-xin. |
UBND huyện Nam Trực đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 4-3-2020 về việc phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2020. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và thông tin liên tục trên hệ thống Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn để mọi người dân nắm được và nâng cao nhận thức về tác hại, sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh như: tình hình diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên toàn quốc, dịch cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) trên gia cầm, dịch tả lợn, bệnh lở mồm long móng, bệnh dại…; ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiêm phòng, các biện pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn động vật trong giai đoạn hiện nay; thông báo công khai cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển và phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã có công văn hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2020. Theo đó, đối với đàn lợn sử dụng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn trâu, bò phòng bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng; đàn chó mèo phòng bệnh dại; đàn gia cầm phòng bệnh cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, bệnh Gumboro, viêm gan vịt. Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện Nam Trực phấn đấu tiêm phòng cho 21.200 con gia súc, gia cầm, bao gồm: 11 nghìn con lợn, 3.700 con trâu, bò và 6.500 con chó, mèo. Tính đến ngày 6-5, toàn huyện đã cấp gần 14 nghìn liều vắc-xin cho các xã, thị trấn và đang tập trung tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêm phòng trước ngày 20-5-2020. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của các xã, thị trấn theo đúng lịch chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã chủ động phối hợp với đội ngũ thú y cơ sở xuống các thôn, xóm, các hộ gia đình chăn nuôi để thống kê, rà soát lại toàn bộ số gia súc, gia cầm hiện có để lên kế hoạch, bảo đảm sát thực tế; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng đúng cách, không để dịch bệnh lây lan, cách bảo quản vắc-xin an toàn, tránh lãng phí. Ông Nguyễn Quang Việt, cán bộ thú y xã Nam Lợi cho biết: Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp rà soát, lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng nên vụ xuân này xã phấn đấu tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng cho 225 con trâu bò, phòng bệnh dại cho 250 con chó và bệnh dịch tả cho 650 con lợn. Do ảnh hưởng đột xuất bởi dịch bệnh COVID-19 nên chúng tôi bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 5-5 và phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng vụ xuân vào ngày 16-5-2020…
Cùng với việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao như: khu chợ kinh doanh, các điểm đã từng phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tiêm phòng và đăng ký số lượng, chủng loại vắc-xin với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để được cung ứng đầy đủ, kịp thời bảo đảm 100% gia súc, gia cầm trong diện được tiêm phòng đầy đủ, đúng chủng loại, an toàn, tránh lãng phí, thất thoát; chỉ sử dụng các loại vắc-xin có trong danh mục được phép lưu hành, có đầy đủ nhãn mác; thực hiện nghiêm túc quy trình bảo quản, sử dụng vắc-xin… Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng hóa chất, vôi bột, thuốc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ hoặc tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới tái đàn để tạo miễn dịch chủ động phòng, chống dịch bệnh; hộ chăn nuôi nào không chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia cầm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi dịch bệnh xảy ra. Quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ động vật, các hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp con giống gia súc, gia cầm để đảm bảo an toàn dịch bệnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Triển khai tổ chức thực hiện đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện kịp thời gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm gia cầm; hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại các xã, thị trấn nhằm khống chế kịp thời, không để dịch bệnh phát tán và lây lan ra diện rộng; triển khai tốt các đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch của UBND huyện. Công an huyện, Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
Việc chú trọng công tác tiêm phòng vụ xuân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ giúp huyện Nam Trực bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, góp phần duy trì, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại