Tháng 3-1960 Bác Hồ có loạt bài viết đăng trên Báo Nhân Dân phân tích các quan điểm, phương châm phát triển sản xuất: “Nhiều” (3-3-1960), “Nhanh” (5-3-1960), “Tốt” (9-3-1960), “Rẻ” (11-3-1960). 4 mục tiêu đó đã được đội ngũ doanh nghiệp nỗ lực thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh theo phương châm của Bác và đã tạo dựng được nhiều thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Dệt may Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên). |
Theo Sở Công Thương, những năm gần đây, cùng với chủ trương tập trung hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chế biến. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thiết lập, duy trì, phát triển mô hình liên kết sản xuất chuỗi với các hộ nông dân, hợp tác xã; đáng kể đã có 10 mô hình được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Có 12 doanh nghiệp đã tham gia thực hiện chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (HACCP); 41 cơ sở đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); 49 cơ sở đã nỗ lực xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 113 nông sản rau, gạo, thủy sản, thịt; 195 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên), các Công ty VinEco, Tuệ Hương, Rau quả sạch Ngọc Anh... cung cấp rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan), Công ty Hùng Vương cung cấp các sản phẩm hải sản chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 80% sản lượng gạo do doanh nghiệp nội tỉnh cung ứng ra thị trường hiện nay là gạo chất lượng cao. Trong đó, liên doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân và Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui (Nhật Bản) cung cấp ra thị trường các sản phẩm gạo chế biến từ các giống lúa Nhật. Đặc biệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân đã đưa loại gạo mới được công nhận ngon nhất thế giới là giống gạo ST25 vào sản xuất trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Ngoài ra, có 29 doanh nghiệp tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh và thành phố Nam Định tham gia nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 62 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và trên 80 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Đặc biệt, bước sang năm 2020, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp, sáng kiến mang tính “tự cứu mình” để duy trì, phát triển sản xuất, giữ thương hiệu, tên tuổi sản phẩm trên thị trường cũng như trong lòng khách hàng trong giai đoạn nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa đã chủ động trữ hàng, trong đó gia tăng sản xuất, cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đông lạnh, đồ khô, sau chế biến; giảm bớt lượng hàng tươi sống, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khối doanh nghiệp ngành dệt may và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đã phát huy tính “nhanh”, “tốt” trong tiếp cận nhu cầu tiêu dùng mới để cung cấp các sản phẩm khẩu trang, dược phẩm phòng chống dịch bệnh cho thị trường trong và ngoài nước. Nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần chung sức cùng các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa tập trung phòng chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội”. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 3,6%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 23.422 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Theo Sở Công Thương, uy tín, vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tập trung tận dụng cơ hội “vàng” được thế giới biết đến Việt Nam, đẩy mạnh thi đua làm theo lời Bác, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc, nghiên cứu phát triển sâu vào các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên nền kinh tế số... tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế, hóa dược phẩm để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá. Từ nay đến cuối năm 2020 các doanh nghiệp toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện phong trào thi đua “Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển” với mục tiêu phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Trọng tâm thi đua tập trung: Đảm bảo an toàn lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; phấn đấu đảm bảo đủ và vượt chỉ tiêu kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động xã hội, góp sức vì cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, có những việc làm thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tăng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy