Đại Thắng chủ động phòng chống thiên tai

08:05, 27/05/2020

Xã Đại Thắng là trọng điểm phòng chống thiên tai (PCTT) của huyện Vụ Bản. Trên địa bàn xã có tuyến đê Hữu Đào và đê bối Đồng Tâm với tổng chiều dài trên 11km cùng 3 điểm kè, 3 cống qua đê và 2 bến đò ngang qua sông. Mặc dù thường xuyên được tu bổ, nâng cấp các cống dưới đê nhưng do cốt đất thân đê chủ yếu là đất thịt, đất thịt pha cát nên ảnh hưởng đến độ ổn định, vững chắc thân đê đã xuất hiện mối, chuột đào hang, làm tổ trong thân đê, dẫn đến nước thẩm lậu qua cơ đê, thân đê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đê khi có lũ lớn. Dòng chảy đoạn cuối thôn Lợi Đầm và thôn Đồng Lạc áp sát bờ gây lở sát chân đê, ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và mái kè. Đoạn hạ lưu, phía trong đồng ngay sát đê có nhiều thùng đào, thùng đấu làm gia tăng nguy cơ thẩm lậu và sạt lở thân đê. Trong tuyến đê bối Đồng Tâm có 3.955 khẩu ở 7 xóm cùng nhiều công trình hạ tầng như trường học, giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, đài truyền thanh… Thực trạng trên là những khó khăn của xã trong công tác PCTT bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng nhân dân trong mùa mưa bão.

Cán bộ xã Đại Thắng (Vụ Bản) kiểm tra vật tư dự trữ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 2020.
Cán bộ xã Đại Thắng (Vụ Bản) kiểm tra vật tư dự trữ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 2020.

Mục tiêu xã Đại Thắng đặt ra đối với công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2020 là: Đảm bảo an toàn tuyệt đối các tuyến đê, không để vỡ đê trong mọi tình huống; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và cơ sở vật chất do lụt, bão gây ra, tích cực phòng chống úng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Ngay từ cuối tháng 4, UBND xã đã thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN, chủ động kiểm tra đánh giá, theo dõi, quản lý các công trình đê, kè, cống, các bến đò ngang, hệ thống tiêu úng; xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN trong đó xác định các trọng tâm là những khu vực trọng điểm có thể bị ảnh hưởng và các phương án hộ đê, phương án di dân vùng ngập lụt để chủ động tổ chức lực lượng ứng cứu, canh đê 24/24 giờ trong các đợt mưa bão, chủ động phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, từng thành viên trong Ban chỉ huy. Xã tăng cường tuyên truyền để người dân có kiến thức nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng, chống bão, lũ, bảo vệ an toàn tính mạng con người, các công trình phúc lợi, tài sản, hoa màu trong mùa mưa bão; phổ biến tới nhân dân các tình huống thiên tai dự báo xảy ra và nguy cơ ảnh hưởng đến địa phương, địa bàn phân lũ và vị trí dự kiến phá đê khi phân lũ để nhân dân chủ động phương án di chuyển tài sản, chằng chống nhà cửa, thu hoạch rau màu… Các tổ chức, cá nhân quản lý bến đò ngang phải đảm bảo các điều kiện an toàn vận chuyển khách trong mùa mưa bão cũng như nghiêm chỉnh chấp hành quy định về ATGT đường thủy nội địa, tuyệt đối không sử dụng đò, phà qua sông khi mưa bão cũng như di dân khi lưu tốc dòng chảy trên các tuyến sông quá mạnh. Xã cũng tích cực đầu tư các trang thiết bị, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực bảo đảm PCTT đúng theo yêu cầu “4 tại chỗ”. Trong đó, thành lập lực lượng xung kích gồm 300 người sẵn sàng tham gia ứng phó với các tình huống mưa bão, tổ chức di dân, vận chuyển tài sản của tập thể và cá nhân. Xã chuẩn bị vật tư tại chỗ gồm 6.732 cây tre luồng, 1.500kg rào tre, cành cây, 7.332 bao tải cát, 6.332 bao đất, 200 lít dầu hỏa, 6.000kg gạo, cát, xi măng, đá hộc, sắt, rồng, rọ đá và 100 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn đảm bảo đủ cơ số phương tiện, vật tư dự phòng gồm: áo phao, phao cứu sinh, máy phát điện, xe tải, xe thồ, thuyền máy và các phương tiện hỗ trợ khác; huy động mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải, 1 bó rào tre và tự chuẩn bị dụng cụ thắp sáng, thuốc, nhu yếu phẩm dự trữ dùng tối thiểu trong 3 ngày.

Đồng chí Nguyễn Kim Quý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng, diễn tập kỹ càng, không lơ là chủ quan trước mưa bão, Ban chỉ huy PCTT và TKCN, nhân dân xã Đại Thắng đảm bảo chủ động được khả năng chỉ huy, nhân lực, vật tư và hậu cần tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống: Bão mạnh, nước lũ trên sông Đào ở mức dưới báo động III và trên báo động III; mưa bão, nước lũ lên cao vượt mức báo động III, tuyến đê bối vẫn có khả năng đảm bảo và mưa lũ lên cao khiến đê sạt lở có nguy cơ vỡ; tình huống khi nhận lệnh phân lũ và khi xảy ra siêu bão, tình huống di dân khi đê kè bị vỡ. Đồng thời quyết tâm dành toàn bộ nội lực sẵn có tại địa phương để xử lý nhanh sự cố ngay từ giờ đầu; chủ động khắc phục hậu quả sau mưa, lũ, ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Để công tác PCTT và TKCN đạt hiệu quả cao hơn, xã Đại Thắng rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT; đổ bê tông mặt đê đoạn còn lại trên tuyến đê bối Đồng Tâm; hỗ trợ làm đường cứu hộ Quả Bầu (đoạn từ đê hữu sông Đào đến đê bối Đồng Tâm); đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Đế để đảm bảo an toàn đê điều và phục vụ tiêu úng trong mùa mưa bão./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com