Cơ hội và thách thức của các ngân hàng "hậu dịch COVID-19"

07:05, 13/05/2020

Đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội trong quý I năm 2020, trong đó có ngành ngân hàng. Giai đoạn vừa qua, ngành Ngân hàng đã chấp nhận giảm nhiều lợi nhuận, chia sẻ khó khăn để hỗ trợ khách hàng bởi dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch COVID-19 được xem là “hàn thử biểu”, tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với ngành Ngân hàng trước xu thế kinh tế toàn cầu hoá, số hoá mạnh mẽ hiện nay.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng E-Banking.
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng sử dụng E-Banking.

Thách thức

Đồng chí Đặng Văn Kim, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: “Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, vượt qua sức ép về lợi nhuận, chỉ tiêu tăng trưởng, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã “chung lưng” góp sức cùng địa phương đồng hành chia sẻ khó khăn với các cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng bằng chính sách tín dụng ưu đãi thời gian qua đã tác động tích cực đến nền kinh tế tỉnh nhà, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra”. Thực tế, các ngân hàng đều nhìn nhận rõ trách nhiệm của ngành đối với chính hệ thống và với nền kinh tế. Đây sẽ là thời điểm quan trọng và cần thiết để các doanh nghiệp và ngân hàng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau vượt khó và phát triển. Bởi doanh nghiệp “khoẻ mạnh” vượt qua đại dịch thì cũng sẽ giúp cho tín dụng hoạt động lành mạnh, an toàn hơn. Ngân hàng sẽ đảm bảo ổn định an toàn nguồn vốn, phát huy hiệu quả kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ thêm nhiều khách hàng, tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế. Hay nói cách khác, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng là hỗ trợ chính các tổ chức tín dụng. Theo thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh, đến 25-4-2020, tổng dư nợ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 4.778 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng gặp khó khăn với phần dư nợ 2.460 tỷ đồng, trong đó: dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 2.318,7 tỷ đồng với 1.293 khách hàng (61 doanh nghiệp, 1.232 cá nhân, hộ gia đình); số lãi được miễn giảm là 572 triệu đồng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 226,3 tỷ đồng cho 224 khách hàng (6 doanh nghiệp, 218 hộ gia đình, cá nhân).

Tuy nhiên, không nằm ngoài “tâm bão ảnh hưởng COVID-19”, ngành Ngân hàng cũng chịu nhiều tác động bởi chính các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Trong quý I năm 2020 một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu sụt giảm về lợi nhuận, chỉ tiêu tăng trưởng. Có 4 nguyên nhân chủ yếu: do thu ròng từ lãi thuần bị thu hẹp; do nhu cầu tín dụng giảm bớt, ảnh hưởng từ những biện pháp hỗ trợ người vay như: giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn lãi vay; doanh thu từ phí dịch vụ giảm do các chính sách miễn/giảm phí thanh toán, thu từ thanh toán, bảo lãnh giảm; chi phí dự phòng rủi ro tăng lên; chi phí hoạt động tăng do năng suất lao động giảm khi phải làm việc từ xa, phát sinh thêm chi phí để bảo hộ cho người lao động… Có thể nói, ngành Ngân hàng đang phải chịu nhiều áp lực để giữ vững vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của cả nền kinh tế. Bản thân các ngân hàng cũng phải tự vượt khó, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, sắp xếp, bố trí nhân sự làm việc hợp lý, cắt giảm lương thưởng, hy sinh lợi nhuận để có thêm nguồn lực bổ sung hỗ trợ khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Song song với đó là rủi ro gia tăng nợ xấu. Ngoài ra, các ngân hàng phải đặc biệt thận trọng trong khâu thẩm định, rà soát, nắm bắt thực trạng, khảo sát nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, lựa chọn các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ trước không chỉ trong dịch mà cả sau dịch để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế và phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, gây mất an ninh trật tự.

Và cơ hội

Xét khía cạnh khác, dịch COVID-19 chính là một nhiệt kế đo “sức khoẻ” của nền kinh tế và chính ngân hàng, doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức tín dụng đánh giá năng lực, sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, hoàn thiện các kịch bản phòng chống rủi ro, trong đó có cả dạng rủi ro từ đại dịch, nhằm giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất. Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Bắc Nam Định Trần Thị Anh Đào cho biết: Trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 vừa qua, Vietinbank Bắc Nam Định đã triển khai chủ động và đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất lao động. Ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong cải tiến quy trình nội bộ và quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Đơn giản hóa, tinh gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận lợi, sử dụng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ ngân hàng an toàn, hiện đại với chất lượng tốt. Tăng cường quản trị chi phí hiệu quả, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động. Vì thế, tính đến tháng 4-2020, chi nhánh vẫn giữ ổn định tăng trưởng về nguồn vốn và dư nợ tín dụng, tăng 5% so với tháng 3. Đối mặt với các tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Vietinbank Bắc Nam Định đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế là tập trung chuyển trọng tâm tăng trưởng sang các mảng dịch vụ thanh toán, ngân hàng điện tử với các tiện ích sẵn có như Vietinbank I-pay, Vietinbank E-Fast; phát triển dịch vụ kết nối ngân hàng điện tử tích hợp với phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp... Trong tháng 4-2020, đã có thêm 600 khách hàng đăng ký dịch vụ Ipay, 25 khách hàng triển khai sử dụng dịch vụ E-Fast. Nhờ vậy, khách hàng có quan hệ tín dụng với Vietinbank Bắc Nam Định vẫn ổn định số lượng với hơn 3.000 khách hàng thân thiết. Đây cũng là một bước đi hiệu quả để các ngân hàng tự “phục hồi” giai đoạn “hậu dịch” trước sự biến chuyển mạnh mẽ về môi trường hoạt động, điều kiện kinh doanh, cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… đang đổi thay mạnh mẽ theo hướng số hoá. Bên cạnh đó, để sớm đón đầu biến chuyển của thị trường tài chính, chủ động ứng phó tốt với các rủi ro tiếp theo, các tổ chức tín dụng cần chuẩn bị sẵn kịch bản để tăng trưởng tín dụng phục hồi kinh doanh: Lựa chọn khách hàng, ngành hàng ưu tiên để tập trung phát triển, đa dạng hóa kênh sản phẩm, marketing ngân hàng... Đồng thời, xây dựng các giải pháp để thu hồi, xử lý nợ xấu (nếu có). Tính toán chi phí đầu vào để cho vay khách hàng với lãi suất rẻ mà vẫn đảm bảo hoạt động ngân hàng có hiệu quả; tập trung rà soát, cắt giảm các khoản chi phí không hiệu quả, tăng năng suất lao động... để giảm chi phí đầu vào. Xây dựng chiến lược, mục tiêu cụ thể để thực hiện tái cơ cấu hoạt động như: cơ cấu doanh thu, cơ cấu chi phí, cơ cấu khách hàng, cơ cấu nhân sự, danh mục đầu tư... nhằm đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, ít phụ thuộc hơn vào hoạt động tín dụng, tăng khả năng chống đỡ và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động Ngân hàng số thương mại điện tử, bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới. Xây dựng các kịch bản phòng chống rủi ro, trong đó có cả những kịch bản phòng chống rủi ro trong các đại dịch như COVID-19. Tiếp tục chủ động cải cách các thủ tục, quy trình nghiệp vụ, đẩy nhanh thời gian xử lý, phê duyệt hồ sơ tín dụng để dòng vốn thông suốt trở lại. Kết hợp với việc huấn luyện đội ngũ cán bộ nhân viên tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng trên toàn hệ thống để kịp thời cung ứng nguồn vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng tốt nhất cho cộng đồng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com