Chủ động các phương án đảm bảo hiệu quả phòng, chống thiên tai

08:05, 15/05/2020

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020, thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp và khó lường. Hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính trong 6 tháng đầu năm nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng cuối năm. Nền nhiệt ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nên có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn cục bộ, nhiệt độ cao kéo dài, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm và kết thúc muộn. Tỉnh ta có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong khoảng thời gian tháng 7, 8 và tháng 9. Trước tình hình trên, việc chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè cống và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh cần được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành kiểm tra công tác phòng, chống úng tại huyện Hải Hậu.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành kiểm tra công tác phòng, chống úng tại huyện Hải Hậu.

Toàn tỉnh có 91km đê biển thuộc 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Trong đó có trên 50km đê đi qua khu vực cốt nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha; khoảng 45km đê trực diện với biển, thân đê phía trong đồng là thùng đào. Hệ thống đê thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Phần lớn bờ biển của tỉnh thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng. Các tuyến đê sông đã cơ bản được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, bảo vệ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trên đê hữu Hồng có một số vị trí đang bị sói lở thuộc các kè Vạn Hà, Tam Phú, Ngô Xá (thành phố Nam Định); bờ bãi kè Cồn Nhì, Cồn Ba, Cồn Tư (Giao Thủy) bị sạt lở đê, kè; trên đê hữu Đào, kè Trại Nội, xã Tân Thành (Vụ Bản) bị sạt lở sát nhà dân; thân và đáy cống Quần Khu thuộc trên tuyến đê hữu Ninh bị nứt ngang giữa cống, mái đá lún sụt khiến nước rò qua mái đá và khe nứt vào trong đồng… Qua kiểm tra đánh giá thực tế, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh xác định, mùa mưa bão năm 2020, toàn tỉnh có 26 trọng điểm chống lụt bão; trong đó có 25 trọng điểm cấp huyện và 1 trọng điểm cấp tỉnh. Cụ thể, tuyến đê sông Hồng có 6 vị trí, tuyến đê hữu Đào 1 vị trí, tuyến đê hữu Ninh và tả Ninh 6 vị trí, tuyến đê tả Đáy 3 vị trí, tuyến đê tả Sò 2 vị trí và tuyến đê biển của tỉnh có 6 vị trí. Hiện nay, công tác quản lý, khai thác công trình gặp nhiều khó khăn do nhiều công trình xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp, năng lực hệ thống thấp so với yêu cầu… Trước tình hình trên, để chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, sẵn sàng các phương án PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT và TKCN năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chuẩn bị các phương án ứng phó, vật tư, phương tiện… sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, bão, lụt theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”. Tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản liên quan; Nghị quyết số 83/2019/NĐ-CP ngày 12-11-2019 của Chính phủ về Quỹ PCTT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác PCTT của các cấp ngành, địa phương, nhất là người dân. Trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra, các cấp, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó sát với thực tế, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng, chống cho công trình phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển, phương án sơ tán dân sinh sống ở bãi sông, vùng trũng thấp khi có lũ, mưa lớn… Đồng chí Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Để nâng cao hiệu quả PCTT và TKCN năm 2020, ngay từ đầu năm UBND huyện đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến cơ sở; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí thành viên Ban chỉ huy; giao chỉ tiêu “4 tại chỗ” cho các cơ quan, đơn vị; xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm. Chỉ đạo lực lượng biên phòng phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy, Trung tâm Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức tập huấn cho 20 cán bộ làm công tác PCTT; tập huấn cho 1.500 người dân về đánh giá rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Tại huyện Ý Yên, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội xung kích với tổng số 5.950 người; lực lượng tuần tra, canh gác 500 người được tập huấn thành thạo về công tác hộ đê giờ đầu, tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các xã, thị trấn đã chuẩn bị 6.500m2 bạt chắn sóng, 780m3 đất dự trữ tại các vị trí được phê duyệt, 36 nghìn cây tre, 90 nghìn bao tải, 1.000 con rồng rào, 780m lưới thép B40 và 155 chiếc xe tải. Ở các xã nội đồng, mỗi gia đình chuẩn bị 2 bao tải; ở 13 xã ven đê, mỗi gia đình chuẩn bị 3 bao tải để tại nhà khi có lệnh huy động các gia đình đóng đất vào bao để bàn giao kịp thời cho lực lượng hộ đê sẵn sàng ứng cứu các sự cố theo các phương án đã được diễn tập, bảo đảm xử lý ngay giờ đầu. Huyện đã hoàn thành việc tổ chức thực hành diễn tập công tác PCTT và TKCN quy mô cấp huyện tại xã Yên Lộc nhằm nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN, kỹ năng xử lý các sự cố thường gặp trong mùa mưa bão. 

Để ứng phó hiệu quả với bão, lũ năm nay, theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, các huyện, thành phố cần tập trung tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống và các công trình PCTT trên địa bàn, nhất là các trọng điểm PCTT; trên cơ sở đó xây dựng phương án ứng phó cụ thể chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện các phương án này một cách hiệu quả. Tổ chức thống kê, rà soát số nhà yếu, nhà tạm, nhất là ở khu vực ven biển, thành phố Nam Định để có phương án di dời người dân ở những vùng này về nơi an toàn khi có bão xảy ra. Đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển để bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão. Ở khu vực thường xảy ra úng trũng như: Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản và thành phố Nam Định, các địa phương cần có phương án tiêu úng cục bộ để bảo vệ lúa, cây màu và dân sinh…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể sẽ góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com