Sau hơn 2 năm thi công, đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 - 19-5-2020) cầu Thịnh Long thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài 2,36km đã hoàn thành, đưa vào khai thác.
Đi trên cây cầu mới hoàn thành, vịn tay lên lan can cầu ánh thép mới tinh, chân chạm vào mặt cầu được thảm bê tông nhựa nhẵn mịn, ông Trần Văn Vịnh, 57 tuổi, người con xa quê hiện sinh sống ở xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vẫn như đang trong mơ. Sinh ra và lớn lên ở đội 5, thôn Thư Điền, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng); quê vợ ở xóm 5, Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu) nên cả tuổi thơ và thời thanh niên ông Vịnh gắn bó với dòng sông Ninh Cơ, thường xuyên qua lại hai bên bờ bằng đò, phà các bến Phú Lễ, Thịnh Long. Không chỉ ông mà bao thế hệ người dân các địa phương ở hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng bên bờ sông Ninh Cơ quanh năm suốt tháng qua đò, qua phà để mưu sinh. Vào mùa bão lũ, nước sông dâng cao, sóng lớn đò, phà phải nghỉ. Nếu như có việc lớn hệ trọng cả đời người không thể dừng thì sẽ phải phải mất ngày, mất buổi đi đường vòng cả trăm cây số để sang được bờ bên kia. Mong ước của bao thế hệ người dân là có một cây cầu để không còn cảnh “qua sông phải lụy đò” chưa thực hiện được, vì đoạn sông này gần cửa biển, sức nước lớn... Vì thế, từ năm 2017, khi biết công trình cầu Thịnh Long chính thức khởi công xây dựng, ông Vịnh chăm về quê hơn. Mỗi lần về, ông đều thu xếp thời gian ra ngắm công trình ngóng tiến độ xem đã làm được đến đâu. Suy nghĩ ấy cũng là tâm trạng chung của hàng nghìn người dân quanh vùng. Cầu Thịnh Long hoàn thành, đưa vào khai thác, người dân sinh sống hai bên bờ sông Ninh Cơ sẽ hưởng lợi đầu tiên, tạo thuận lợi cho việc đi lại và hàng hóa lưu thông thông suốt, mở ra nhiều cơ hội phát triển giao thương mới. Cũng vì vậy mà ngay sau thời điểm khởi công xây dựng cầu Thịnh Long, nhiều địa phương lân cận đã thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại xã Hải Châu, thị trấn Thịnh Long; lĩnh vực nông nghiệp cũng được thu hút một số doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, phát triển sản xuất rau màu, cây đinh lăng làm dược liệu và mở rộng diện tích các vùng nuôi thủy sản.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ảnh: Viết Dư |
Đồng chí Dương Hoài Nam, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của dự án cũng như đáp lại tình cảm của người dân nên nhà thầu thi công (Liên danh Hanshin Engineering and Construction Co.,Ltd và Công ty CP Cầu đường Long Biên) đã cam kết với tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Với khối lượng thi công tương đối lớn (phần cầu dài 988,47m được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 19 nhịp, phần đường dẫn hai bên dài 1,37km đường tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ) nên cán bộ kỹ thuật, công nhân của nhà thầu đều phải tích cực chạy đua với thời gian để đưa công trình về đích đúng hẹn, nhất là giai đoạn thi công “nước rút” sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi (mưa kéo dài nhiều ngày) và dịch bệnh COVID-19 nhưng nhà thầu thi công đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ: Bố trí tăng ca đảm bảo công trường thi công 24 giờ trong ngày, huy động công nhân làm việc liên tục; tổ chức 4-5 mũi thi công chính và 2-3 mũi phụ để đồng loạt triển khai làm móng đường dẫn phía huyện Nghĩa Hưng, thi công nút giao phía huyện Hải Hậu; hoàn thiện mặt cầu; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, lan can, thoát nước... cho kịp tiến độ. Để khắc phục yếu tố thời tiết không thuận lợi, nhà thầu đã huy động số lượng lớn đèn khò để làm khô nhanh mặt đường phục vụ thảm bê tông nhựa. Nhờ đó, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020 công trình cầu Thịnh Long đã hoàn thành trên 99,5% khối lượng, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào khai thác.
Đồng chí Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT chia sẻ: Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, là vị trí giao cắt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 21 và 21B, tuyến đường bộ ven biển, tỉnh lộ 490C, tuyến đường trục phát triển nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định; kết nối trực tiếp hai huyện trọng điểm Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Từ bao đời nay việc đi lại tại điểm vượt sông này chỉ bằng đò, phà nên năng lượng rất hạn chế: Chỉ có người và xe đạp, xe máy, ô tô; xe tải trọng lớn không qua được. Mỗi khi mưa bão phải dừng hoạt động. Cầu Thịnh Long hoàn thành, đưa vào khai thác, giao thông hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu sẽ rút ngắn khoảng 60km; rút ngắn quãng đường từ thị trấn Thịnh Long với thành phố Nam Định khoảng 10km do không phải đi vòng qua cầu Lạc Quần. Ngoài ra, cầu Thịnh Long còn góp phần nâng cao khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện vận tải so với hiện nay, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực ven biển Nam Định nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp hiện nay, việc có cây cầu bê tông vĩnh cửu vượt sông tại đây còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão cũng như khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.
Cầu Thịnh Long nối liền hai bờ sông Ninh Cơ, nơi đã hình thành và được quy hoạch phát triển các trọng điểm kinh tế hướng biển của tỉnh, giấc mơ sau bao năm mong mỏi đã thành hiện thực. Các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cho phát triển dần được tháo gỡ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai; là công trình thiết thực chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
Thành Trung