Năm 2019 tỉnh ta tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư nhanh; trong đó, thu hút đầu tư trong nước tăng gần 3,5 lần so với năm 2018; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 200 triệu USD. Đặc biệt, năm 2019 và đầu năm 2020 nhiều nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc, Nhật Bản... về khảo sát, xúc tiến đầu tư đa dạng các lĩnh vực như kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN), khu dịch vụ, thương mại, đô thị, công nghiệp tổng hợp. Theo đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kết quả này khẳng định sự bứt phá mới trong thu hút đầu tư của tỉnh. Với mục tiêu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển, tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thiết lập vị thế, sức hút mới hấp dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế lớn lựa chọn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh ta.
Sản xuất tại Công ty CP Dệt Bảo Minh (KCN Bảo Minh). |
Tỉnh chủ động tạo thuận lợi về quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư; trong đó, đã gấp rút triển khai các thủ tục trình Chính phủ cho phép điều chỉnh một số khu vực, địa điểm trọng yếu trong phát triển kinh tế như: điều chỉnh khu chức năng đặc thù nam đô thị Rạng Đông; điều chỉnh quy hoạch các khu, CCN; điều chỉnh quy hoạch cục bộ thành phố Nam Định giai đoạn đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch tổng thể thành phố Nam Định với quy mô mở rộng thành phố Nam Định gồm toàn bộ huyện Mỹ Lộc, 3 xã của huyện Vụ Bản và 5 xã của huyện Nam Trực nâng quy mô diện tích thành phố tăng hơn 2 lần so với hiện nay... Để đáp ứng quỹ đất công nghiệp cho các nhà đầu tư, ngoài 3 khu công nghiệp (KCN), 19 CCN đã đi vào hoạt động, hiện nay tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục, triển khai mở rộng, đầu tư xây dựng mới hàng loạt khu, CCN với tổng diện tích khoảng 2.000ha. KCN Dệt may Rạng Đông hiện đã đầu tư xây dựng hơn 50% hạ tầng với diện tích khoảng 600ha. KCN Mỹ Thuận quy mô 200ha đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, phấn đấu giữa năm 2020 sẽ triển khai xây dựng hạ tầng. Đang điều chỉnh quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết KCN Hồng Tiến trên địa bàn huyện Ý Yên, trong đó CCN Yên Bằng là một phần trong tổng thể KCN Hồng Tiến. Hàng loạt CCN đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020, 2021, gồm: CCN Yên Bằng (Ý Yên) với quy mô 50ha; CCN Yên Dương (Ý Yên) quy mô giai đoạn I là 50ha; CCN Thanh Côi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) quy mô 50ha; CCN Hải Vân (Hải Hậu) quy mô 10,7ha; Thịnh Lâm (Giao Thủy) quy mô giai đoạn I là 22ha; mở rộng 9,16ha CCN Xuân Tiến (Xuân Trường); mở rộng và thực hiện giai đoạn II CCN Đồng Côi (Nam Trực) với diện tích 24,8ha. Năm 2019 hệ thống hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nhanh, mạnh với các công trình cầu Thịnh Long, tuyến đường trục phát triển kinh tế biển... Nhờ đó, tỉnh đã cơ bản đảm bảo tính kết nối liên tỉnh, liên vùng cho hệ thống hạ tầng giao thông, giúp việc di chuyển, vận tải hàng hóa của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cao độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó chú trọng cải cách hành chính (CCHC) theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và hiện đại; đã thành lập, đưa vào hoạt động chính thức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 của tỉnh (được công bố năm 2019) đã có sự cải thiện tích cực khi đạt 87,9%, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 18,1% và 46 bậc so với năm 2017; thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký thay đổi rút ngắn xuống còn 1,5 ngày (giảm 1,5 ngày so với quy định); tiếp nhận và giải quyết đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 1,5 ngày làm việc... Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước về thực hiện CCHC; thực hiện tốt cơ chế một cửa tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước. Tiếp tục bám sát thực tiễn, thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài KCN giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư dự án; nâng cao chất lượng và giảm thời gian công tác thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhất là các dự án có quy mô sử dụng diện tích lớn. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp sau cấp phép đầu tư giúp nhà đầu tư triển khai nhanh chóng dự án, rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở sản xuất, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động. Nghiên cứu, đưa mô hình “Cà phê doanh nhân” vào hoạt động hàng quý để các doanh nghiệp dễ dàng gặp gỡ trao đổi trực tiếp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; từ đó có thể hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Đặc biệt, để các nhà đầu tư có thể nắm bắt được những tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư vào Nam Định, hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền về danh mục 35 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, gồm, tại Hải Hậu thu hút đầu tư các dự án: Nâng cấp cảng Thịnh Long; Xây dựng khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái tại khu vực Nhà thờ đổ Văn Lý 55ha; Xây dựng Tổng kho và cảng xuất - nhập xăng dầu 38ha tại thị trấn Thịnh Long. Tại thành phố Nam Định thu hút đầu tư các dự án: KCN Mỹ Trung 150ha; Dự án chuyển đổi mô hình quản lý đầu tư, cải tạo nâng cấp Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Xá; Cảng sông Nam Định; Khu đô thị đại học tập trung 150ha; Hệ thống các công trình vui chơi giải trí, công viên thành phố 50ha; Hệ thống thu gom, xử lý nước thải thành phố; Tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và công trình nhà phố Shop-house 1ha; Chợ đầu mối và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung 1,2ha; Cải tạo chung cư trên địa bàn thành phố; Khu nhà ở thương mại giá rẻ 3ha; Bãi đỗ xe công cộng 0,2ha; Khu chức năng hỗn hợp 15,1ha. Tại huyện Nghĩa Hưng thu hút đầu tư các dự án: Khu du lịch Rạng Đông 800ha; Khu đô thị, du lịch và công nghiệp tại khu vực ven biển 4.288ha. Tại huyện Giao Thủy thu hút đầu tư: Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy 2.000ha; Khu nghỉ dưỡng tắm biển, thể thao, dịch vụ du lịch 85ha. Tại huyện Ý Yên thu hút đầu tư KCN Hồng Tiến 150ha. Tại huyện Mỹ Lộc thu hút đầu tư khu phức hợp dịch vụ, thương mại, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và đô thị thông minh 1.500ha. Tại các KCN, CCN thu hút đầu tư: nhà máy sản xuất sản phẩm, thiết bị phụ trợ ngành dệt - may 10ha; nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị phụ trợ cơ khí, điện, điện tử 10ha; nhà máy sản xuất lắp ráp điện tử, máy vi tính, sản xuất phần mềm 10ha; nhà máy sản xuất cơ khí, điện, điện tử 10ha; nhà máy sản xuất dược phẩm 5ha; nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc, da giày 10ha; vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, rau quả sạch áp dụng công nghệ cao 100ha; sản xuất rau công nghệ cao trong nhà kính 50ha; nhà máy chế biến thực phẩm sạch - khu chăn nuôi xanh 20ha; nhà máy sản xuất phụ tùng, lắp ráp ô tô 10ha. Các dự án thu hút đầu tư còn lại gồm: Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt màng kính 50ha (Giao Thủy, Xuân Trường); Khu kinh tế Ninh Cơ 13.950ha và Trung tâm Logistics 50ha (Hải Hậu, Nghĩa Hưng); xây dựng các khu đô thị, khu dân cư (các huyện, thành phố).
Những nỗ lực của tỉnh là những nam châm tạo nên sức hút mới với các nhà đầu tư mang đến cơ hội phát triển cho quê hương Nam Định với tốc độ bứt phá, nhanh hơn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy