Để quản lý tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản trên biển, thời gian qua, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, địa phương đã tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá. Tuy nhiên, với đặc thù của nghề khai thác hải sản là các tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài khơi, trong khi lực lượng làm công tác đăng kiểm còn mỏng nên công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá vẫn còn nhiều bất cập.
Ngư dân huyện Hải Hậu chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, sơn kẻ tàu cá theo quy định. |
Đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý về kỹ thuật, kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế đến thi công và đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn. Việc kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá bao gồm thân tàu, máy, các trang thiết bị hàng hải, khai thác thủy sản và các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về độ an toàn lắp đặt trên tàu cá. Do chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác đăng kiểm nên một bộ phận ngư dân còn xem nhẹ vấn đề an toàn kỹ thuật của phương tiện hoạt động khai thác hải sản trên biển, không tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện hàng năm, còn để quá hạn. Tình trạng chủ tàu cá tự ý xóa biển số, vạch phân vùng còn phổ biến gây không ít khó khăn cho công tác quản lý cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, một số cơ sở đóng tàu còn thiếu cán bộ kỹ thuật và chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ nên có một số phương tiện đóng mới không đạt các yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, tàu cá mua bán ngoài tỉnh không kèm hồ sơ gốc gây khó khăn cho công tác đăng ký, đăng kiểm. Trước thực trạng đó, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng đã đấy mạnh thực hiện các biện pháp như: Tăng cường rà soát tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, phối hợp tuyên truyền, thông báo, vận động các chủ tàu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước. Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện rà soát xóa đăng ký đối với các tàu hư hỏng, giải bản, bán sang các tỉnh khác; thống kê các tàu cá hết hạn đăng kiểm, Giấy phép khai thác thủy sản và thông báo gửi các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương để tăng cường quản lý và có biện pháp xử lý. Do đó năm 2019, công tác quản lý tàu thuyền khai thác thuỷ sản có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác đăng ký, đăng kiểm. Sở NN và PTNT đã thực hiện đăng kiểm được 86% tổng số tàu cá thuộc diện quản lý.
Thực hiện Quyết định số 34/2019/QĐ-UBND ngày 4-10-2019 của UBND tỉnh Nam Định về việc bãi bỏ khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND ngày 22-3-2011 của UBND tỉnh Nam Định về việc ủy quyền, phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Nam Định, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện rà soát, thống kê và tham mưu tổ chức bàn giao quản lý tàu cá theo quy định. Chỉ đạo các Trạm thủy sản vùng cử cán bộ trực tiếp xuống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền để hướng dẫn, tuyên truyền cho ngư dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2020, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế đối với tàu cá có hồ sơ thiết kế và kiểm tra kỹ thuật; nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho tàu cá. Hàng tháng, Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các xã, thị trấn ra thông báo tới các chủ tàu hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản đến các Trạm thủy sản để tiến hành đăng kiểm phương tiện và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát không cho tàu cá xuất bến nếu thiếu các thủ tục đăng ký, đăng kiểm hoặc các thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Hầu hết ngư dân đều rất phấn khởi với cách làm này. Ngư dân Trần Xuân Chính, xã Hải Triều (Hải Hậu), cho biết: “Tàu đánh cá là tài sản lớn nhất của ngư dân chúng tôi, việc đăng kiểm tàu cá hàng năm là rất thiết thực, nhằm bảo đảm kỹ thuật cho tàu hoạt động trên biển, để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản. Vì vậy chúng tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc hỗ trợ ngư dân trong hoạt động này hàng năm”.
Bên cạnh việc tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm, hiện nay, Chi cục Thủy sản đã kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật tàu thuyền cho các chủ cơ sở và cán bộ phụ trách kỹ thuật của các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, để các chủ cơ sở và cán bộ kỹ thuật nắm bắt và nâng cao được khả năng quản lý cũng như trình độ kỹ thuật trong đóng tàu. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động khai thác trên biển, Chi cục cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi chưa đảm bảo an toàn.
Việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong hoạt động khai thác hải sản trên biển, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường. Đồng thời, khi tàu cá tham gia hoạt động trên các vùng biển xa dễ xác định vị trí khai thác với trạm bờ cũng là cơ sở trong công tác giám sát, xác nhận khai thác, báo cáo vị trí chuyến biển để thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa