Góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

08:04, 14/04/2020

Nhằm từng bước xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi gia cầm nói riêng, lĩnh vực chăn nuôi nói chung, trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Sở NN và PTNT đã tích cực triển khai thực hiện “Thí điểm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm bằng phần mềm tin học. Dự án giúp thực hiện cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu về chăn nuôi theo hướng phát triển đô thị thông minh của tỉnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập hợp thông tin, dữ liệu lên phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi gia cầm.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập hợp thông tin, dữ liệu lên phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi gia cầm.

Xác định phát triển sản xuất chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP được ứng dụng mạnh mẽ giúp tăng năng suất và kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tại các địa phương bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, cơ cấu giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 39,5% năm 2014 lên 43,78% năm 2019. Đặc biệt, do phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh tốt, tốc độ quay vòng nhanh nên chăn nuôi gia cầm của tỉnh phát triển khá và chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu ngành chăn nuôi. Đàn gia cầm hiện có của tỉnh là 8.461,68 nghìn con, tăng 7,3% (575,7 nghìn con); sản lượng thịt gia cầm năm 2019 đạt 27.044,83 tấn, tăng 14,2%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 345.946 nghìn quả, tăng 30.386 nghìn quả trứng so với năm 2018. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở một số địa phương còn nhiều khó khăn do không quản lý được chính xác số lượng đàn vật nuôi. Việc quản lý số hộ, số lượng, đối tượng vật nuôi một cách thủ công đã gây không ít khó khăn trong công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, phòng, chống dịch bệnh; việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi còn nhiều hạn chế... ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh tế của ngành. Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển ngành chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng, Sở NN và PTNT đã tích cực triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm bằng phần mềm tin học. Dự án nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cập nhật thông tin của cơ sở chăn nuôi gắn với mã định danh, tạo tiền đề cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm; thiết lập mô hình chuỗi giá trị sản phẩm tư gia cầm. Dự án được kỳ vọng giúp hộ chăn nuôi quảng bá thông tin, kết nối với thị trường; cơ quan quản lý có công cụ để quản lý, điều hành chăn nuôi gia cầm. Thực hiện chỉ đạo của sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu mối của tỉnh, các huyện, thành phố tham gia triển khai các nội dung của dự án; tổ chức thống kê, rà soát, lựa chọn các xã, thị trấn và các cơ sở chăn nuôi gia cầm tham gia dự án; phối hợp chủ đầu tư và nhà tài trợ tổ chức cuộc họp lập kế hoạch, 4 lớp tập huấn cho 158 lượt cán bộ tỉnh, huyện và một số đơn vị liên quan về kỹ thuật sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu cũng như lợi ích, cách thức vận hành. Nội dung tập huấn gồm: Lập kế hoạch xây dựng mã định danh và thí điểm quản lý cơ sở dữ liệu trang trại chăn nuôi gia cầm bằng phần mềm tin học; kỹ năng quản lý phần mềm cho cán bộ các sở, ngành hữu quan; tập huấn cho cán bộ xã, thị trấn về cách thức thu thập và cập nhật thông tin. Sau khi tập huấn, 100% cán bộ tỉnh và huyện hiểu, sử dụng được phần mềm cơ sở dữ liệu, cách thức thu thập thông tin đầu vào và cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu. Theo kế hoạch, tỉnh ta triển khai thí điểm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho 174 cơ sở chăn nuôi gia cầm của 71 xã, thị trấn ở 10 huyện, thành phố. Số cơ sở chăn nuôi gia cầm đã nhập vào phần mềm là 178 cơ sở (vượt 2,3% so với kế hoạch). Trong đó, có 3 cơ sở quy mô trên 20 nghìn con/cơ sở, có 9 cơ sở quy mô từ 10-20 nghìn con/cơ sở, có 22 cơ sở quy mô từ 5-10 nghìn con/cơ sở, còn lại là 144 cơ sở quy mô dưới 5.000 con. Đã có 219 lượt nhập đàn lần đầu, 101 lượt xuất đàn. Số lượng gia cầm được cập nhật vào hệ thống là 598.755 con, trong đó, đàn gà đạt 355.150 con, đàn vịt đạt 233.505 con, 8.500 con ngan và 1.600 con bồ câu ngoại. Qua đợt kiểm tra giám sát, việc cập nhật cơ sở dữ liệu vào hệ thống nhận thấy 100% cán bộ xã biết sử dụng phần mềm cập nhật dữ liệu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân (thiếu mạng 3G, không có điện thoại thông minh…) nên có trên 70% cán bộ xã tự cập nhật được thông tin vào phần mềm, gần 30% phải phối hợp cán bộ huyện để cập nhật.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu thập thông tin còn gặp khó khăn do một số người dân chưa hiểu rõ mục đích của việc khai báo chăn nuôi, một số cơ sở khai báo còn mang tính đối phó dẫn đến số liệu không chính xác. Một số cán bộ xã còn gặp khó khăn khi sử dụng phần mềm, không đưa được thông tin của cơ sở chăn nuôi vào phần mềm. Ngoài ra còn một số khó khăn về mặt kỹ thuật thiết kế phần mềm như cỡ chữ, giao diện nên chưa hiển thị được số lượng xuất, nhập và còn lại của đàn gia cầm trên cùng một giao diện. Quá trình thu thập và cập nhật thông tin gặp khó khăn khi tên một số giống gia cầm do hộ chăn nuôi khai báo không trùng khớp với danh mục giống vật nuôi được quy định ở phần mềm. Kiểm soát tăng, giảm đàn còn gặp khó khăn do nhiều cơ sở chăn nuôi theo hình thức chăn thả mùa vụ. Quá trình triển khai dự án đến cơ sở còn gặp khó khăn do phần lớn số trang trại chăn nuôi quy mô vừa và người chăn nuôi cao tuổi, điều kiện cơ sở vật chất cũng như khả năng sử dụng công nghệ về mạng wifi, di động, điện thoại thông minh còn hạn chế. Phần mềm chưa đánh giá được tổng thể đàn gia cầm, sản lượng gia cầm, chưa khai thác được dữ liệu về tốc độ tăng trưởng. Thao tác để xóa khi nhập dữ liệu sai còn khó thực hiện. 

Mặc dù còn những hạn chế song những kết quả mà dự án thu được đáp ứng bước đầu trong mục tiêu quản lý và hướng tới phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế ngành chăn nuôi, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong mục tiêu phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22-11-2019 của Bộ NN và PTNT về quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi cho người dân. Cập nhật bổ sung danh mục giống vật nuôi, danh mục vắc xin trên hệ thống phần mềm. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng phần mềm cho các đối tượng vật nuôi khác như: lợn, trâu, bò… góp phần quản lý tốt đàn vật nuôi, tạo cơ sở để quản lý và thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com