Từ năm 2017, Nam Định là một trong 14 tỉnh được Chính phủ phê duyệt triển khai hợp phần xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP). Theo chấp thuận của Ngân hàng Thế giới và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án LRAMP để cải tạo, nâng cấp khoảng 35 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 130km, có tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống giao thông nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong năm đầu thực hiện Dự án LRAMP, tỉnh triển khai thi công khôi phục, cải tạo 13 tuyến đường có tổng chiều dài trên 38,3km với tổng kinh phí 62,8 tỷ đồng. Trong đó có 9 tuyến khôi phục, cải tạo với quy mô đường cấp VI đồng bằng, 1 tuyến đường với quy mô đường giao thông nông thôn loại A; 3 tuyến đường với quy mô đường giao thông nông thôn loại B. Năm thứ hai đã thi công khôi phục, cải tạo 10 tuyến đường, với quy mô đường giao thông nông thôn loại B, có tổng chiều dài trên 23,39km với tổng kinh phí 41,1 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá tại hiện trường các tuyến đường thuộc dự án LRAMP năm thứ nhất và thứ hai được Ngân hàng Thế giới, các cơ quan của Bộ GTVT đã khẳng định là tỉnh thực hiện tốt các tiêu chí của dự án, các tuyến đường thi công đạt chất lượng, đảm bảo tiến độ yêu cầu, thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc. Các tuyến đường thi công đạt chất lượng, đảm bảo tiến độ yêu cầu đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh để hoàn thành mục tiêu được Chính phủ công nhận là tỉnh NTM vào năm 2019, sớm hơn kế hoạch một năm rưỡi so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra. Mặt khác, thông qua nguồn vốn đối ứng của địa phương theo quy định của dự án Ngân hàng Thế giới đã đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác bảo trì đường địa phương nhiều phương pháp hiệu quả. Nguồn vốn Dự án LRAMP đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân lưu thông thuận lợi và tăng khả năng kết nối liên hoàn với đường tỉnh, huyện và quốc lộ; góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng NTM của các địa phương. Cũng nhờ giao thông nông thôn được cải thiện nên thu hút đầu tư phát triển, chu chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả ngoạn mục, tạo lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Các làng nghề phát triển, một số ngành nghề truyền thống được khôi phục. Hàng hoá của các làng nghề trong tỉnh đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả nước ngoài. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn phát triển khá. Từ kết quả đạt được, năm 2020 Ngân hàng Thế giới, Bộ GTVT tiếp tục tạo điều kiện để tỉnh đầu tư khôi phục, cải tạo thêm 13 tuyến đường, với quy mô đường giao thông nông thôn loại B, dài 34,9km, tổng kinh phí 53,35 tỷ đồng bằng vốn dự án LRAMP. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch, tuyển chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập và tiến hành thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật các tiểu dự án thuộc Dự án LRAMP - năm thứ 3 đảm bảo tuân thủ đúng các quy trình, quy phạm và quy định hiện hành; tổng mức đầu tư không vượt tổng mức đầu tư năm thứ 3 của Dự án LRAMP đã được Bộ GTVT phê duyệt. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, khảo sát lập Báo cáo KT-KT, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận không thực hiện đầu tư tuyến đường trục xã Xuân Hồng (Xuân Trường) vì đã nằm trong chủ trương đầu tư của dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 24-10-2019 của HĐND tỉnh). Theo đó, Sở GTVT trình UBND tỉnh chấp thuận thực hiện 12 tiểu dự án với tổng mức đầu tư trên 51,9 tỷ đồng gồm: đường trục các xã Nam Thắng, Hồng Quang, Nam Thanh (Nam Trực); đường trục các xã Nghĩa Lạc, Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); đường trục xã Giao Long 7, đường trục xã Giao Hương 4 (Giao Thủy); đường trục xã Hải Long và đường Hải Minh 6 (Hải Hậu); đường trục các xã Minh Tân (Vụ Bản), Trực Khang (Trực Ninh) và Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) với tổng chiều dài là trên 32,6km. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến triển khai thi công trong tháng 5-2020.
Nhằm tiếp tục đạt hiệu quả cao trong triển khai thực hiện dự án LRAMP năm thứ 3, Sở GTVT đã giao Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn 3 phối hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện đúng tiến độ 12 tiểu dự án khôi phục, cải tạo đường địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn thực hiện tốt các mục tiêu của dự án, tiếp tục thu hút nguồn vốn ODA để xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn; sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trên địa bàn tỉnh, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên mạng lưới đường địa phương nhằm kéo dài tuổi thọ của tuyến đường và phát huy được hiệu quả của dự án./.
Bài và ảnh: Thành Trung