Doanh nghiệp thích ứng với phương thức tiêu dùng mới

08:04, 29/04/2020

Dịch bệnh do COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên không ít doanh nghiệp của tỉnh nhờ chủ động chuẩn bị từ sớm nên đã nhanh chóng thích ứng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tích cực, tận dụng cơ hội, bắt nhịp nhanh với phương thức tiêu dùng mới của người dân trong điều kiện dịch bệnh.

Công ty CP Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) sản xuất vải kháng khuẩn cung cấp cho các doanh nghiệp may khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế.
Công ty CP Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) sản xuất vải kháng khuẩn cung cấp cho các doanh nghiệp may khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa đã chủ động trữ hàng, trong đó gia tăng sản xuất, cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đông lạnh, đồ khô, sau chế biến; giảm bớt lượng hàng tươi sống, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đáp ứng sâu tâm lý mua sắm thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp cung ứng chủ động nhập hàng của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chế biến nông nghiệp, thủy sản đã được kiểm duyệt chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ các nhóm hàng phục vụ phòng chống dịch tăng cao, nhiều doanh nghiệp dệt may, dược phẩm đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, thuốc phòng, chữa bệnh… Nhiều doanh nghiệp dược phẩm tạm gác kế hoạch đã đề ra, huy động toàn bộ nguồn lực để dồn sức sản xuất các sản phẩm cấp bách phục vụ phòng, chống dịch bệnh như các loại dung dịch kháng khuẩn vòm miệng và cổ họng, viên ngậm bổ sung, tăng cường đề kháng cho cơ thể, sản phẩm gel khô, nước rửa tay kháng khuẩn... Một số doanh nghiệp dệt vải đã đẩy mạnh sản lượng hoặc chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm vải kháng khuẩn để phục vụ nhu cầu may khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế. Những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc và khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn... nhờ đáp ứng đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng phục vụ phòng, chống dịch nên đã đứng vững, thậm chí phát triển mạnh đảm bảo việc làm cho người lao động ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp khác phải đóng cửa. Bên cạnh đó, sự thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam được nhiều quốc gia trên toàn cầu đánh giá cao, trong đó ghi nhận hiệu quả của việc sử dụng khẩu trang trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ đó người dân các nước thay đổi tâm lý trong việc sử dụng khẩu trang, làm tăng nhu cầu sản phẩm trên thị trường, tạo cơ hội phát triển thị trường cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, quần áo bảo hộ kháng khuẩn, dược phẩm, hóa phẩm sát trùng của các doanh nghiệp Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc phát triển thương mại điện tử kinh doanh online cũng giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì bán hàng, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện cách ly diện rộng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ngành Công Thương, do dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng trên toàn cầu, hiện chưa xác định được “điểm dừng” của dịch nên các hoạt động làm việc, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, lao động học tập, thói quen tiêu dùng của người dân trong nước cũng như trên toàn thế giới sẽ tiếp tục thay đổi. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả các doanh nghiệp đang phát triển ổn định,  dù ở trong vùng tâm dịch cũng phải tăng cường bám sát dự báo, nhận định về nhu cầu, diễn biến tiêu dùng từ phía ngành chức năng, các chuyên gia kinh tế. Theo dự báo của Bộ Công Thương: Khi nền kinh tế trong nước chưa cơ bản hồi phục, một bộ phận lao động không đi làm hoặc giảm giờ làm nên giảm thu nhập, do đó, khách hàng sẽ tiếp tục giảm chi tiêu; chỉ chi tiêu mua hàng hóa thiết yếu, giá trị thấp phục vụ tiêu dùng trước mắt. Bên cạnh đó, dù tình hình cung ứng nguyên liệu đã có dấu hiệu tốt hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản… Cùng với sự tích cực hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, trước mắt các doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi nhu cầu sử dụng hàng hóa với đối tác và phát huy tối đa kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của mình để nắm bắt tín hiệu của thị trường. Về lâu dài, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, gắn kết giữa thương mại điện tử với hoạt động thương mại truyền thống góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường; chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới, các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com