Chuyển biến trong hoạt động sở hữu trí tuệ

07:04, 24/04/2020

Ngày 26-4 hàng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lấy làm Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới nhằm tôn vinh hoạt động đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và đặc biệt là bảo vệ quyền SHTT. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động SHTT, những năm qua, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ thực thi quyền SHTT và thúc đẩy hoạt động sáng kiến.

Sản phẩm “Nước mắm Lạch Giang” của anh Nguyễn Thanh Bình, xóm 3, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sản phẩm “Nước mắm Lạch Giang” của anh Nguyễn Thanh Bình, xóm 3, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế về vai trò của SHTT cũng như khả năng cạnh tranh và chất lượng hàng hóa thông qua việc xác lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ sản phẩm hàng hóa và định hướng người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm có chất lượng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Nhiều giải pháp đã được thực hiện tích cực như: Tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ quản lý hoạt động SHTT; hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; khai thác và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép... Thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, Sở KH và CN đã hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống của địa phương có chỉ dẫn địa danh như: nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Giao Châu” của xã Giao Châu (Giao Thủy); nhãn hiệu tập thể “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” của huyện Nghĩa Hưng; nhãn hiệu chứng nhận “Đồ gỗ La Xuyên” của làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên)… Hầu hết các sản phẩm khi được hỗ trợ bảo hộ thương hiệu đã gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh. Từ năm 2018, Sở KH và CN đã hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến” của xã Xuân Tiến (Xuân Trường), nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định” và dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” cho sản phẩm bánh nhãn của huyện Hải Hậu”. Cuối năm 2019, nhãn hiệu chứng nhận Bánh nhãn Hải Hậu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời hệ thống và mô hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” đã đưa vào vận hành thử; các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm bánh nhãn mang nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” theo chuỗi giá trị cũng được xây dựng. Dự án cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao danh tiếng, chất lượng, quảng bá và thương mại sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Từ hiệu quả của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nhiều doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương, người dân chủ động phối hợp với Sở KH và CN, đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 của tỉnh. Cùng với đó, Sở KH và CN hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về ghi nhãn hàng hoá, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất... Nhiều sản phẩm được xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, một số sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ còn tiến hành các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền SHTT nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền SHTT. Sở KH và CN đã phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền sở hữu trí tuệ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những vi phạm trong việc thực thi quyền SHTT và những sơ hở của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền SHTT cho sản phẩm của mình, đồng thời khuyến cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng thực thi quyền SHTT tại các doanh nghiệp, làm căn cứ xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới.

Ngày 10-7-2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 42/2017-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung của Nghị quyết là hỗ trợ các hoạt động bảo hộ quyền SHTT, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại. Trong đó, hỗ trợ xác lập quyền SHTT trong nước tối đa không quá 6 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT hoặc tối đa 1 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho 6 nhóm sản phẩm đối với một tổ chức, cá nhân với mức 15 triệu đồng/đơn đăng ký giống cây trồng mới, 15 triệu đồng/đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, 7 triệu đồng/đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 7 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường; 30 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, 5 triệu đồng/bản quyền tác giả. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ tài chính cho hơn 50 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Qua đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư cho KH và CN, nhất là vấn đề bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển thị trường công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh về sản phẩm hàng hoá.

Sau nhiều năm kiên trì triển khai đồng bộ các giải pháp, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về quyền SHTT đã chuyển biến rõ rệt thể hiện qua số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.417 nhãn hiệu hàng hoá, 111 kiểu dáng công nghiệp, 5 sáng chế, 10 giải pháp hữu ích của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Hiện tỉnh có 2.840 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.543 đơn được cấp văn bằng. Hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như những người dân có sản phẩm cần được bảo hộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm xác lập quyền sở hữu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm sáng tạo của mình./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com