Vụ xuân 2020 diễn ra trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp. Do nhuận 2 tháng Tư, trời ít nắng, thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm rất cao... là điều kiện “lý tưởng” cho các loại sâu, dịch bệnh phát sinh, phát triển, lây lan hại lúa, màu. Vì vậy, Sở NN và PTNT đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với các nguy cơ bùng phát sâu, dịch bệnh bảo vệ an toàn lúa, màu, phấn đấu giành vụ xuân thắng lợi.
Nông dân xã Hải Hưng (Hải Hậu) phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 trên lúa xuân. |
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 73.100ha, trong đó diện tích lúa thuần chiếm 87%, riêng giống lúa Bắc thơm số 7 chiếm 65% diện tích; trồng 12.300ha cây rau màu, tăng 200ha so với vụ xuân năm 2019. Trong đó, cây lạc 4.455ha, ngô 1.445ha và 6.400ha rau màu khác. Sản xuất vụ xuân phải đối mặt với nhiều khó khăn rất lớn như: mưa đá, mặn xâm nhập cao, rét đậm, rét hại, hạn hán… nhưng ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung chỉ đạo điều hành, khắc phục rất tốt bảo đảm lấy đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy và dưỡng lúa sau cấy nhanh chóng phục hồi, sinh trưởng, phát triển. Do chuẩn bị tốt nguồn giống nên việc gieo cấy tập trung, nhanh gọn, bảo đảm trong khung thời vụ tốt, trà xuân muộn chiếm gần 99% diện tích. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng lựa chọn được một bộ giống lúa khá chất lượng, đa phần là các giống ngắn ngày, có khả năng chống chịu tương đối với các loại sâu, bệnh hại. Xây dựng được 191 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 9.714ha; trong đó có 186 mô hình lúa và 5 mô hình cây màu. Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa, cây màu đều sinh trưởng, phát triển tốt, toàn tỉnh có 66.300ha (chiếm 91%) lúa tốt đạt trên 400 dảnh/m2, còn lại là diện tích lúa trung bình đạt từ 300-400 dảnh/m2.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn bộ diện tích lúa sẽ trỗ tập trung vào đầu và trung tuần tháng 5. Vụ xuân năm nay, do nhuận hai tháng Tư nên dự báo thời tiết sẽ tiếp tục âm u kéo dài, độ ẩm cao, ít nắng, mưa phùn về đêm và sáng sớm. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ lúa 2 bùng phát, hại lúa. Kết quả điều tra cho thấy, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên các giống nhiễm như: BC15, Khang dân 18, Q5, Việt hương chiếm, Dự hương, QR1, Nếp, Thiên ưu 8, TBR225…; một số nơi đã xuất hiện trên giống Bắc thơm 7. Tỷ lệ phổ biến 1-3%, nơi cao 5-7%, cá biệt 20-30% với tổng diện tích nhiễm 891ha; trong đó nhiễm nhẹ - trung bình 890ha, nhiễm nặng 1ha, có chỗ lụi theo chòm, ổ. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ sâu và trứng phổ biến 10-30 con, nơi cao 50-80 con; mật độ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sâu non nở rộ từ ngày 22 đến 30-4, mật độ sâu phổ biến 50-70 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cục bộ có nơi trên 600 con/m2. Dự kiến toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 68 nghìn ha, chiếm 93% diện tích lúa. Rầy lưng trắng sẽ nở rộ từ ngày 20 đến 27-4, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 2.000-3.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía nam tỉnh, gây hại cục bộ ở các huyện phía bắc tỉnh. Bệnh đã phát sinh và gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như: Đài thơm 8, Nếp, BC15, Q5... Bệnh khô vằn sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có nguy cơ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa xuân do lượng mưa từ đầu vụ đến nay cao hơn trung bình nhiều năm; khả năng sẽ có mưa lớn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tạo điều kiện cho bệnh bạc lá bùng phát ở diện rộng. Bên cạnh đó, các đối tượng dịch hại khác mà chủ yếu là chuột, ốc bươu vàng cũng gia tăng mức độ gây hại; trên cây lạc, bệnh lở cổ rễ, sâu khoang, trên cây ngô là sâu keo mùa thu, trên nhãn có bệnh sương mai hại hoa, quả non.
Trước tình hình dịch bệnh, sâu hại diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, đặc biệt trong bối cảnh tập trung phòng, chống dịch COVID-19, công tác chỉ đạo, điều tra, phát hiện và kịp thời phòng, chống dịch bệnh trên lúa, màu xuân trong toàn tỉnh cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục, không được chủ quan lơ là, nhằm đạt được mục tiêu giành sản xuất vụ xuân thắng lợi. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Thời gian tới, với điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn sâu, bệnh sẵn có trên đồng ruộng, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, nhiều diện tích lúa sẽ bị sâu, bệnh gây hại nặng, đe dọa đến năng suất. Vì vậy thời điểm này phải tập trung chăm sóc tốt cho lúa, đảm bảo đủ nước trong ruộng, hướng dẫn nông dân bón thúc hết lượng kali còn lại cho lúa xuân muộn ở giai đoạn lúa phân hóa đòng, tạo điều kiện cho các trà lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại. Chủ động bám sát đồng ruộng để theo dõi và chỉ đạo phun trừ kịp thời bệnh đạo ôn lá trên trà lúa xuân muộn diện bón thừa đạm, giống nhiễm, nhất là diện tích lúa gieo sạ. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông ở các vùng đã bị đạo ôn lá, giống nhiễm và trỗ bông trước ngày 10-5. Đạo ôn là bệnh bùng phát và lây lan rất nhanh, chỉ trong vài ngày có thể tàn phá diện tích lớn. Vì vậy, phương châm là phải chủ động điều tra phát hiện, phòng ngừa từ sớm. Dự báo, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 vũ hóa rộ từ ngày 13 đến 22-4, sâu non nở rộ từ ngày 20 đến 27-4. Lứa sâu này có mật độ cao, gây hại diện rộng trên lúa đại trà, do vậy cần tổ chức đợt cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp với rầy lứa 2 và bệnh khô vằn tập trung vào cuối tháng 4. Đồng thời, tiếp tục tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng bằng các biện pháp, trong đó tập trung biện pháp thủ công… Hiện, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang phân công cán bộ phối hợp với các phòng chuyên môn ở các huyện, thành phố tập trung theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch hại như: sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2; điều tra, phát hiện bệnh lùn sọc đen, lấy mẫu rầy lưng trắng để giám định tỷ lệ mẫu rầy nhiễm vi rút bệnh lùn sọc đen, làm cơ sở để chỉ đạo phòng trừ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết và áp dụng thực hiện kịp thời, hiệu quả. Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại cho sản xuất. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tiến hành phun trừ tập trung từ ngày 22 đến 30-4 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên; sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb và hoạt chất khác. Do sâu cuốn lá có mật độ rất cao nên ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu lực cao và kéo dài (hoạt chất Indoxacarb). Sau phun 5 ngày, kiểm tra ruộng nếu còn mật độ sâu sống lớn hơn 50 con/m2 cần phải phun lại. Đối với rầy lứa 2, phun trừ tập trung từ ngày 20 đến 27-4 cho những diện tích có mật độ rầy lớn hơn 30 con/khóm; sử dụng thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Thiamethoxam, Imidacloprid và hoạt chất khác; sau 3 ngày phun thuốc, nếu rầy còn lớn hơn 30 con/khóm cần phải phun trừ lại. Đối với bệnh khô vằn, phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện và đã phun nhưng bệnh chưa dừng. Sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron, Hexaconazole và hoạt chất khác. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông cho các giống nhiễm, nhất là trà lúa trỗ bông trước ngày 10-5, những diện đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa; sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, hoạt chất khác, không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV trên địa bàn; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV./.
Bài và ảnh: Văn Đại