Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến đối với nhóm hàng hóa phục vụ phòng chống dịch như: thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát trùng... Lợi dụng tình thế này, đã có tình trạng người kinh doanh găm hàng, tăng giá trục lợi và làm bất ổn thị trường. Trước tình hình này, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh (BCĐ 389 ĐP) đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng công nghệ phẩm, thuốc tân dược trên địa bàn nhằm đảm bảo kiểm soát tốt thị trường phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nhà thuốc Bình Hường (thành phố Nam Định) phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân nhóm hàng thiết bị y tế phòng, chống bệnh dịch COVID-19. |
Các ngành thành viên BCĐ 389 ĐP gồm: Công an, Hải Quan, Bộ đội biên phòng và các cơ quan chuyên ngành Y tế, Tài chính, Thanh tra khoa học và công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), Quản lý thị trường (QLTT) chủ động phối hợp lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý các loại trang thiết bị, vật tư y tế (khẩu trang y tế, nước rửa tay, dược phẩm...) phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Kiểm tra việc sản xuất, cung ứng, phân phối các loại dược phẩm, trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe, phòng, chữa bệnh và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, các Chi cục QLTT huyện, thành phố khẩn trương kiểm soát chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, chủ động giám sát hoạt động kinh doanh, nghiêm cấm tình trạng găm hàng, ép giá, buôn bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, rửa tay khô giả, kém chất lượng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng loạt kiểm tra các nhà thuốc trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá cao bất thường các mặt hàng phục vụ chống dịch, yêu cầu ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đến thời điểm hiện tại, Cục QLTT đã yêu cầu 710 cơ sở kinh doanh nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý 13 cơ sở về hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết, không niêm yết giá, không mở sổ theo dõi việc mua bán thuốc, lợi dụng bệnh dịch tăng giá bất hợp lý; phạt hành chính 44,7 triệu đồng. Ngay sau khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra đột xuất, thị trường khẩu trang, thuốc, dung dịch sát khuẩn phòng, chống dịch bệnh đã ổn định trở lại. Một số cửa hàng thuốc đã cung ứng trở lại mặt hàng khẩu trang với giá bán lẻ phù hợp.
Đồng chí Đỗ Đức Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: trong thời gian tới tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế, khẩu trang phòng bệnh dịch của người dân tiếp tục gia tăng, do đó Cục QLTT tỉnh sẽ theo dõi, giám sát diễn biến trên thị trường, có những biện pháp kiểm tra, xử lý quyết liệt, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện tốt đạo đức kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. Công bố thông tin xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương