Yên Khang hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao

08:03, 20/03/2020

Năm 2016, xã Yên Khang (Ý Yên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Quán triệt quan điểm lãnh đạo của Trung ương và của tỉnh về xây dựng NTM không có điểm kết thúc từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, UBND xã Yên Khang tiếp tục tập trung chỉ đạo duy trì các chương trình và phong trào thi đua để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Bộ mặt nông thôn Yên Khang đổi mới rõ nét, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường làng ngõ xóm khang trang, sản xuất nông nghiệp chuyển biến theo hướng hiện đại, được cơ giới hóa ở nhiều khâu, đời sống vật chất, ngày càng được nâng cao, nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Ba, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các tiêu chí giai đoạn trước mới cơ bản đạt; tập trung phát triển đa dạng các mô hình kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư để tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân theo tiêu chí xây dựng NTM nâng cao”. Sau khi được chọn là một trong 4 xã của huyện Ý Yên thí điểm xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, Đảng uỷ xã đã tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ các ban, ngành, đoàn thể trong xã để quán triệt các nội dung, nhiệm vụ tạo sự thống nhất, đồng thuận từ xã đến xóm, tới các tầng lớp nhân dân; ra nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao. Tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư để nâng cấp các cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao như hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở vật chất văn hóa và trường học. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài các nguồn kinh phí từ ngân sách các cấp, xã Yên Khang chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa đóng góp của con em làm ăn xa và nguồn đóng góp của nhân dân địa phương chắt chiu kiến thiết quê hương. Để công tác xã hội hóa đạt kết quả tốt, xã đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thực hiện quy chế dân chủ về huy động sức dân trong xây dựng NTM nâng cao đảm bảo công khai minh bạch, tạo niềm tin cho những người tham gia. Nhờ đó, đến cuối năm 2019 hệ thống đường trục xã, liên xã với tổng chiều dài 4,22km và 1,7km đường trục thôn, liên thôn mặt đường được trải nhựa; 103 tuyến đường dong ngõ, xóm với tổng chiều dài trên 17,6km được cứng hóa bằng bê tông, có hệ thống thoát nước, sạch sẽ; 19 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài trên 14,1km đã kiên cố hóa bằng bê tông 8,58km đạt 60,5%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được cải tạo, nâng cấp đồng bộ tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng với quy mô 11ha thuộc thôn Trại Mễ từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; vùng cánh đồng lớn 30ha để sản xuất nông sản hàng hóa tập trung tại thôn Uy Bắc, Hòa Cụ. Hàng năm, địa phương giải quyết thêm việc làm mới thường xuyên cho trên 100 lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đạt 96,7%. Đến nay xã đã có 5 trạm biến áp với tổng công suất 1.470kVA, đảm bảo cung cấp điện an toàn và thường xuyên phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; số hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Có điện lưới thuận tiện, xã đã phát động phong trào “thắp sáng đường quê”, vận động nhân dân các xóm đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng riêng biệt tại các trục đường giao thông với cơ chế: UBND huyện hỗ trợ 250 nghìn đồng/cột; xã hỗ trợ 150 nghìn đồng/cột ở các trục đường chính, 50 nghìn đồng/cột ở các đường dong, ngõ xóm, còn lại huy động xã hội hóa. Trong năm 2019, trên các tuyến giao thông trục xã, liên thôn, dong ngõ xóm của xã đã lắp đặt 922 cột điện chiếu sáng riêng (cột thép, đèn led, hệ thống dây dẫn riêng biệt, an toàn). Xã có 12/12 thôn đã xây dựng nhà văn hóa với diện tích tối thiểu từ 2.500m2 trở lên, trong đó đã có 10/12 nhà văn hóa đạt chuẩn. Đến năm 2019, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 49,6 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ có 3 hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (tỷ lệ 0,0017%).

Đến đầu năm 2020, xã Yên Khang tự rà soát đối chiếu tiêu chí đánh giá đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Một số tiêu chí chưa đạt xã đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao là: cảnh quan môi trường, hoạt động xử lý rác thải thân thiện với môi trường và cơ sở vật chất trường học. Cụ thể, xã đang triển khai cho các thôn xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn, đặt thùng rác 2 ngăn ở các nơi công cộng để thu gom tách biệt rác thải hữu cơ và vô cơ; chỉ đạo các đoàn thể, tuyên truyền các thôn, hộ dân thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, kênh mương. Xã đã ban hành quy chế thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; thành lập tổ thu gom rác thải toàn xã; ký hợp đồng với đơn vị xử lý rác thải độc hại như vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau các mùa vụ trong năm để đảm bảo xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Đối với cơ sở vật chất trường học hiện xã đã đầu tư thi công xây dựng 4 phòng học còn thiếu của trường mầm non; xây dựng thêm 2 phòng học của trường tiểu học để đạt chuẩn về “xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Xã phấn đấu hoàn thành mục tiêu được huyện, tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019 để bắt đầu xây dựng NTM kiểu mẫu từ năm 2020./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com