Trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, các loại dịch bệnh nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn, bảo đảm sản lượng theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương quyết tâm triển khai các biện pháp thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vụ xuân bảo vệ đàn vật nuôi.
Cán bộ thú y thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) thực hiện tiêm phòng đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả tiêm cho đàn vật nuôi. |
Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh ta không xảy ra dịch cúm gia cầm; bệnh dịch tả lợn châu Phi từng bước được khống chế, các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên động vật cơ bản bảo đảm an toàn, góp phần duy trì mức tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giám sát tháng 12-2019 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) trên mẫu lấy tại chợ Cổ Lễ (Trực Ninh) và chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) đã phát hiện lưu hành virus cúm gia cầm A/H5N6. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện khá lớn với gần 8,5 triệu con. Trên cả nước, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại một số địa phương, tại tỉnh Quảng Ninh chưa qua 30 ngày. Mặt khác, thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm những tháng đầu năm tăng... là những nguy cơ khiến các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, tai xanh, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy trên gia súc, gia cầm, bệnh ngoại ký sinh trùng và bệnh lở loét do vi khuẩn trên cá nuôi nước lợ... phát sinh, lây lan rất cao. Do vậy, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, trong đó đàn lợn tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu; đàn trâu, bò tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đối với đàn gia cầm, tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, Gumboro, viêm gan vịt... Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng cho 306 nghìn con lợn, 29 nghìn con trâu, bò và 125 nghìn con chó, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Thời gian tiêm phòng tập trung từ ngày 15-3 đến 15-4-2020. Ngoài đợt tiêm phòng chính, các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh. Trong bối cảnh đầu năm dịch bệnh trên người và động vật phát sinh phức tạp, để công tác tiêm phòng vụ xuân năm 2020 đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã có Công điện số 1/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật. Tỉnh yêu cầu tập trung kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách vùng và lĩnh vực để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch động vật. Các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện theo đúng nội dung hướng dẫn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng an toàn sinh học cho đội ngũ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương. Chỉ đạo hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi; các nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh; đồng thời tổ chức phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh nhấn mạnh: Để công tác tiêm phòng vụ xuân năm nay đạt hiệu quả cao, ngoài các biện pháp kỹ thuật, các huyện, thành phố cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Người đứng đầu chính quyền phải nắm bắt, quản lý tốt số lượng đàn vật nuôi, số hộ chăn nuôi trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Sở NN và PTNT tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng an toàn sinh học cho đội ngũ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn. Chủ động chuẩn bị các loại vắc-xin tai xanh, dịch tả, lở mồm long móng, bệnh dại... bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời phát động, tổ chức ra quân thực hiện “vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” bằng hóa chất thuốc sát trùng, vôi bột ở các trục đường giao thông, nơi tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khu ổ dịch, chuồng trại chăn nuôi; hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi thực hiện thường xuyên các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế các nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành chăn nuôi.
Tác động, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đối với ngành chăn nuôi, thực phẩm phục vụ đời sống vẫn chưa dừng lại. Do vậy việc phát triển chăn nuôi an toàn là yêu cầu hết sức bức thiết đối với kinh tế chăn nuôi nói riêng, đời sống kinh tế - xã hội nói chung. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ xuân có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 tăng từ 2,5-3% so với năm 2019; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% cơ cấu kinh tế ngành trở lên./.
Bài và ảnh: Văn Đại