Nam Ðịnh tự hào là “thủ phủ” của ngành Dệt may cả nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, bao thế hệ cán bộ, công nhân đã không chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đứng lên đấu tranh, giành quyền sống. Ðặc biệt trong những năm chống Mỹ cứu nước, hình ảnh công nhân nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh “tay thoi, tay súng” vừa sản xuất vừa chiến đấu đã làm nên danh xưng “Thành phố Dệt anh hùng”... Ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 798/QÐ-TTg lấy ngày 25-3 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Dệt may Việt Nam. Sau bao thăng trầm, đến nay ngành Dệt may đã khẳng định vai trò đứng đầu trong nhóm các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh và dệt may Nam Ðịnh luôn giữ vị trí tốp đầu trong ngành Dệt may toàn quốc.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Dệt May Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên). |
Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt may Nam Ðịnh cho biết, những ngày tháng 3 lịch sử này cán bộ, công nhân lao động trong Công ty sôi nổi ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của công nhân ngành Dệt may Việt Nam; trong đó có truyền thống của công nhân Dệt Nam Ðịnh. Những năm đầu thế kỷ XX, công nhân Nhà máy Dệt Nam Ðịnh đã liên tục đấu tranh giành quyền sống và không ngừng trưởng thành về nhận thức, ý thức giai cấp. Năm 1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trong nhà máy được thành lập có 29 hội viên, là lực lượng tiền thân nòng cốt để thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh Nam Ðịnh. Ðặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 4.000 công nhân Nhà máy Sợi Nam Ðịnh bắt đầu từ ngày 25-3-1930 kéo dài trong 21 ngày liên tục đã giành thắng lợi to lớn, thực dân Pháp buộc phải chấp nhận các yêu sách của công nhân, tạo động lực cho các cuộc đấu tranh sau đó của công nhân và phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 25-3 đã trở thành ngày truyền thống lịch sử của đội ngũ công nhân nhà máy, của công nhân ngành Dệt, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Ðảng. Năm 1965, với dã tâm cắt đứt nguồn chi viện cho miền Nam, thành phố Nam Ðịnh trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ xâm lược; phần lớn bom đạn đánh vào Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh. Trong 8 năm (từ tháng 7-1965 đến tháng 12-1972) máy bay Mỹ đã phá hủy 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng, 151 cán bộ, công nhân hy sinh, 197 người bị thương. Tuy nhiên, với ý chí “Ðịch đến ta đánh, địch chạy ta lại sản xuất”, cán bộ, đảng viên, công nhân nhà máy vẫn quật cường, chiến đấu, không nề hà sự sống chết của bản thân, đảm bảo sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm tháng gian khổ, hào hùng này, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt được ca ngợi với hình ảnh đầy tự hào “Ðội bom mà sản xuất”; Tự vệ Nhà máy đã trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ bằng pháo 100 ly, bắt sống giặc lái Mỹ, động viên hàng nghìn thanh niên công nhân lên đường nhập ngũ trực tiếp vào chiến trường chiến đấu, góp phần thắng lợi vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng của công nhân Dệt Nam Ðịnh, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công nhân lao động Tổng Công ty CP Dệt may Nam Ðịnh đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên đổi mới, sáng tạo, phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mạnh dạn đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, đầu tư công nghệ mới, từng bước thực hiện chiến lược xây dựng chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ sợi - dệt - nhuộm - may… Tổng Công ty đã đầu tư Nhà máy Sợi Vinatex Nam Ðịnh tại Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Ðịnh) công suất 7.000 tấn/năm; góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Ðào Nha… và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp dệt may trong nước lựa chọn thay thế nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu. Ðặc biệt, từ năm 2010, Tổng Công ty CP Dệt may Nam Ðịnh đã đầu tư, đưa vào hoạt động ổn định 10 nhà máy may tại các huyện trong tỉnh: Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và huyện Bình Lục (Hà Nam) góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; nâng cao đời sống nông dân. Hiện nay, cán bộ, công nhân, người lao động ở các nhà máy thành viên trong Tổng Công ty đồng lòng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh các phong trào thi đua đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề, rèn tác phong, kỷ luật, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2020, Tổng Công ty CP Dệt may Nam Ðịnh quyết tâm vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh; cùng các doanh nghiệp dệt may Nam Ðịnh giữ vững vị thế tốp đầu trong ngành Dệt may toàn quốc, góp phần đưa ngành Dệt may Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may đứng đầu thế giới. Cùng với Tổng Công ty CP Dệt may Nam Ðịnh, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Ngày truyền thống ngành Dệt may Việt Nam diễn ra sôi động ở các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh. Công ty TNHH một thành viên Dệt May Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên) được đánh giá là một trong số những doanh nghiệp “làng” vươn ra biển lớn thành công. Khởi nghiệp từ năm 1986 là một tổ hợp với vài chiếc máy may thô sơ, chuyên gia công sản phẩm quân nhu cho các Công ty May 10, May 20 (Bộ Quốc phòng), đến nay Công ty đã phát triển thành một doanh nghiệp lớn quy mô nhà máy trên diện tích 20 nghìn m2, trang bị thiết bị hiện đại, áp dụng quy chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001. Hiện Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm áo sơ mi nam, quần âu, quần shorts và kaki nam mang thương hiệu P&L và Vĩnh Tiến (đây là những thương hiệu đã được tín nhiệm trên toàn quốc) và một phần xuất khẩu sang các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng trên 1.500 công nhân của Công ty vẫn làm việc ổn định. Công ty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy (Giao Thủy) chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng may mặc thể thao thời trang như: quần áo trượt tuyết, quần áo bơi, áo khoác, quần áo thời trang xuất khẩu. Chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Dệt may Việt Nam, Công ty thực hiện đầy đủ các quy định chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, an toàn dịch bệnh, động viên công nhân hăng hái tham gia các phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua sáng kiến, cải tiến trong sản xuất”, “Chất lượng sản phẩm, làm đến đâu được đến đó”... Từ đầu năm đến nay, toàn bộ hơn 1.700 công nhân lao động của Công ty đều đăng ký tham gia các phong trào thi đua, góp phần giúp Công ty ổn định sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh quý I-2020... Hiện Công ty đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất, đảm bảo tiến độ, chất lượng và thời hạn giao tất cả những đơn hàng Công ty đã ký kết từ năm 2019.
Ở khối các doanh nghiệp dệt may FDI, tổ chức công đoàn duy trì phát động phong trào thi đua đảm bảo năng suất lao động; đặc biệt là thi đua nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Theo kết quả sơ bộ khảo sát của Sở Công Thương, hết quý I-2020 hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trên toàn tỉnh cơ bản duy trì ổn định. Một số doanh nghiệp năng động chuyển đổi mặt hàng sản xuất thích ứng với bối cảnh thực tế của thị trường như sản xuất khẩu trang... Ðặc biệt, trước động thái đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban châu Âu (EC), nhóm doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào thị trường EU đã nhận diện các khó khăn như: tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gián đoạn hoặc bị chậm, hủy các đơn hàng đã ký kết; bị giảm sút nhu cầu mua sắm hàng hóa; từ đó chủ động lập phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng trong giai đoạn tiếp tục gia tăng rào cản, khó khăn như: trữ nhập nguồn nguyên, phụ liệu, sắp xếp thời gian, ca kíp làm việc để bình ổn, hỗ trợ mức lương, giữ chân người lao động... nhằm khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy