Năm 2019, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Trực đã có 123 lượt hộ nghèo, 1.125 lượt hộ cận nghèo, 114 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp trên 617 hộ thoát nghèo, cận nghèo, tạo việc làm mới cho 95 lao động và 1.802 hộ có vốn cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh. Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2019, ngay trong quý I năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã đẩy mạnh giải ngân, xuất sắc hoàn thành mục tiêu dư nợ tăng trưởng 2% của quý.
Một buổi giao dịch tại xã Nam Cường của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực. |
Đồng chí Trần Văn Quyết, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực cho biết: Bám sát chỉ tiêu kế hoạch được giao, ngay khi nhận được quyết định phân bổ nguồn vốn cho vay các chương trình, Ngân hàng CSXH huyện đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị phân giao chỉ tiêu về các xã, thị trấn; ưu tiên cho xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cao chưa được vay vốn, hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH phối hợp với các hội, đoàn thể huyện chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn khẩn trương tổ chức họp bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, công khai. Đối với vốn quay vòng, căn cứ kế hoạch thu nợ, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với hội, đoàn thể cấp xã tập trung đôn đốc và thu hồi nợ, hoàn thiện hồ sơ cho vay, thực hiện giải ngân ngay vào ngày giao dịch tại xã, không để đọng vốn, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, tính đến ngày 17-3-2020, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã giải ngân cho 816 lượt hộ vay vốn, tổng dư nợ đạt 315 tỷ 624 triệu đồng (đạt 99% kế hoạch của năm) với 10.785 hộ được vay vốn. Nhiều chương trình tín dụng đã cơ bản vượt và hoàn thành như cho vay hộ cận nghèo đạt 103%; học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội đạt 99%. Toàn huyện đã xây dựng 20 điểm giao dịch tại xã với tổng cộng 376 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng tiền gửi từ các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 17 tỷ 306 triệu đồng (102,49%), tiền gửi từ dân cư đạt 27 tỷ 964 triệu đồng (90,14%). Tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm qua tổ đạt từ 90% trở lên. Gia đình anh Cao Việt Cường ở xóm Nguyễn là hộ cận nghèo của xã Nam Cường. Trao đổi với chúng tôi về nguồn vốn chính sách, anh Cường chia sẻ: “Năm 2019, gia đình chúng tôi gặp biến cố lớn khi cả vợ và con đều phải phẫu thuật tim trên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chi phí hơn 300 triệu đồng. Khu vườn gần như bỏ hoang vì không người chăm sóc”. Sau khi vợ, con xuất viện được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, anh Cường đã được vay 50 triệu đồng đầu tư cải tạo vườn trồng hơn 20 gốc cây ăn trái làm cảnh. Dịp tết vừa qua, gia đình tôi trúng lớn nhờ bán quất cảnh, bưởi cảnh nên kinh tế gia đình được cải thiện rất nhiều. Đến nay, anh đã hoàn trả gốc lãi được 16 triệu đồng. Còn với chị Tô Thị Ánh Hồng ở xóm Nguyễn, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, chị đã mở cửa hàng kinh doanh tạp hoá, đồ điện dân dụng, kinh tế khấm khá hơn hẳn trước đây, gánh nặng gia đình từ người chồng đau yếu do tai nạn giao thông và nuôi ba con nhỏ ăn học dần được khắc phục giúp chị từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cùng với thúc đẩy giải ngân, vấn đề chất lượng tín dụng luôn được Ngân hàng CSXH huyện quan tâm phối hợp các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm. Ban đại diện Hội đồng quản trị, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Ngân hàng CSXH đã nhanh chóng bắt tay vào tập trung chỉ đạo công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng toàn huyện và các xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%, kế hoạch củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, có số lượng tổ viên ít để nâng cao năng lực hoạt động cho tổ. Hàng tháng Ngân hàng CSXH phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng món vay, thông báo cho hội, đoàn thể nhận uỷ thác các cấp phối hợp chỉ đạo đôn đốc thu hồi, không để nợ quá hạn mới phát sinh. Các đồng chí chủ tịch UBND các xã, thị trấn là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện đã chỉ đạo quyết liệt trưởng các thôn, xóm phối hợp cùng ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ngay từ cấp thôn, xóm. Các đồng chí trưởng thôn, xóm; hội, đoàn thể cấp xã trực tiếp dự sinh hoạt, bình xét vốn vay ngay từ cấp cơ sở, tham gia việc quản lý, xác nhận đối tượng được vay vốn, phối hợp cùng Ngân hàng CSXH tham gia công tác xử lý nợ đến hạn, nợ rủi ro. Bên cạnh đó, hàng tháng Ngân hàng CSXH xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng với tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến đến tổ viên về chính sách, chế độ, quyền lợi và trách nhiệm nhằm nâng cao ý thức của tổ viên trong việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, vay và trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn, không đứng tên vay hộ, không gửi tiền gốc cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội trả hộ để phòng ngừa lợi dụng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Nhờ đó, nhiều xã có dư nợ lớn và tăng trưởng cao từ đầu năm như xã Nam Tiến (dư nợ 24 tỷ 417 triệu đồng, tăng 377 triệu đồng); Nam Thanh (dư nợ 21 tỷ 657 triệu đồng, tăng 613 triệu đồng), Nam Thái (dư nợ 23 tỷ 103 triệu đồng, tăng 298 triệu đồng). Tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát chặt chẽ.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh giải ngân cho vay chương trình tín dụng hộ cận nghèo, giải quyết việc làm và đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn vốn uỷ thác từ địa phương phục vụ cho vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chung tay cùng cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tập trung các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, tạo động lực mới giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo vững chắc, chống tái nghèo./.
Bài và ảnh: Đức Toàn