Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Nam Trực đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đột phá, bền vững, giúp người dân thay đổi tư duy, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân đồng thời huyện cũng tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ.
Nông dân xã Điền Xá trồng cây cỏ Nhật cho thu nhập cao. |
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, các xã, thị trấn đã tích cực thực hiện đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT và cơ giới hóa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Các địa phương cũng chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng lớn liên kết, chuyển hướng sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Các giống cây trồng dài ngày, năng suất, chất lượng thấp được thay thế bằng các giống có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Toàn huyện hiện có gần 40 HTX nông nghiệp, trong đó nhiều HTX đã chuyển đổi và tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đa phần các HTX đều chủ động liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón; tổ chức làm tốt các dịch vụ: làm đất, tín dụng nội bộ, thu hoạch bằng máy… đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng Ban nông nghiệp xã xây dựng các các đồng lớn diện tích từ 30-100ha, hướng dẫn các thành viên áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, trong đó gieo cấy theo phương thức 3 cùng: cùng giống - cùng trà - cùng cánh đồng nên hiệu quả kinh tế của cánh đồng mẫu lớn tăng thêm từ 4-5 triệu đồng so với sản xuất lúa đại trà. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như cánh đồng lớn trồng lúa Dự hương quy mô 51ha tại xã Bình Minh; mô hình cánh đồng lạc vụ xuân diện tích 21ha tại xã Nam Hoa; mô hình cánh đồng trồng khoai tây vụ đông quy mô 20ha tại xã Nam Hùng đều cho hiệu quả kinh tế tăng 5% so với sản xuất lúa đại trà. Sản phẩm của các vùng cánh đồng mẫu lớn trong huyện chủ yếu bán cho các thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… thông qua các doanh nghiệp chế biến lương thực như Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Minh Dương và các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện và thành phố Nam Định. Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của huyện cũng đạt được nhiều thành tựu. Từ năm 2018, huyện triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa Bắc thơm số 7 chất lượng cao giữa Công ty TNHH Toản Xuân với HTX nông nghiệp Nam Thành với hơn 60 hộ nông dân, quy mô 50ha, sản lượng thu mua trên 200 tấn/vụ, hiệu quả tăng 10-15% so với sản xuất lúa đại trà. Các vùng trồng hoa, cây cảnh ở các xã: Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Toàn, Nam Thắng, Tân Thịnh; vùng trồng màu tại các xã: Nam Giang, Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa và một số xã khác cũng mang giá trị kinh tế cao hơn trước. Trong chăn nuôi, huyện chú trọng phát triển trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh với khoảng 360 trang trại và gia trại. Thủy sản tiếp tục phát triển, nuôi trồng thủy sản chuyển từ quảng canh sang thâm canh, có tổng diện tích 605ha. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 106 triệu đồng. Với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần đưa nông nghiệp huyện phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Nam Trực cũng xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh là: cơ khí, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng; tập trung phát triển 4 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch là: Đồng Côi, Vân Chàng, Nam Thanh, Tân Thịnh với tổng diện tích 121,65ha đã được UBND tỉnh phê duyệt; củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống hiện có cũng như khôi phục các làng nghề có nhiều ưu thế phát triển. Vì vậy, năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 7.070 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Từ năm 2016, Công ty CP Nam Tiến Nam Định đã đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng Nhà máy may xuất khẩu tại thôn Cổ Giả, xã Nam Tiến. Nhà máy hoạt động chính thức từ năm 2017 với quy mô 10 chuyền may các sản phẩm áo sơ mi, áo giắc-két xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Mỹ, tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với phát triển, mở mang ngành nghề, trong những năm qua UBND huyện cũng quan tâm đến đào tạo nhân lực, đa dạng các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động là thanh niên, nông dân được học nghề. Các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều lớp khuyến công, khuyến nông và dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Các ngành nghề mới được mở rộng đào tạo, quy mô tăng lên, nhất là các ngành nghề có thế mạnh để tạo thêm việc làm cho người lao động; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thực hiện việc dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã tổ chức trên 180 lớp dạy nghề: hàn xì, thêu ren, móc sợi, trồng trọt, chăn nuôi…, trong đó tạo việc làm mới cho 3.043 lao động. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm của huyện tăng từ 85% năm 2011 lên gần 98% năm 2018 với tổng số khoảng 95 nghìn người. Nhiều xã có tỷ lệ lao động có việc làm cao như Nam Hồng, Nam Dương, Bình Minh, Đồng Sơn, Nam Toàn… Ngoài số lao động tại địa phương, huyện có khoảng 10 nghìn lao động làm việc và có thu nhập tại các thành phố và các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; có khoảng 1.800 lao động xuất khẩu nước ngoài.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo bước chuyển biến cho công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt khoảng 42 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,69%. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển sản phẩm thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để nâng cao chất lượng sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Đức Thiện