Thương mại điện tử phát triển mang đến nhiều tiện ích cho đời sống xã hội và người tiêu dùng (NTD) nhưng cũng kèm theo không ít rủi ro cho những NTD thiếu kinh nghiệm, kiến thức tiêu dùng trong thời đại công nghệ số. Do đó “Bảo vệ NTD trong thương mại điện tử” được Bộ Công Thương chọn làm chủ đề chính cho Ngày Quyền của NTD Việt Nam (15-3) năm nay.
Các doanh nghiệp dệt may tổ chức chương trình bán hàng tri ân người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Hưởng ứng chủ đề “Bảo vệ NTD trong thương mại điện tử” trong điều kiện năm 2019, tỉnh ta được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá xếp thứ 20 trong bảng xếp hạng toàn quốc về chỉ số thương mại điện tử. Trong bốn nhóm tiêu chí thành phần thì chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin đứng thứ 10, tăng 7 bậc so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh trong đẩy mạnh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời đại công nghệ 4.0. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD được khuyến khích tổ chức và thực hiện không chỉ trong tháng 3 mà trong suốt cả năm. Trong đó, tập trung vào khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5, các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo chức năng, chủ động nghiên cứu, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Ngày Quyền của NTD Việt Nam (15-3), các quy định khác của pháp luật có liên quan và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi NTD năm 2020. Trong đó, Sở Công Thương tổ chức tuyên truyền đến các doanh nghiệp và NTD những quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch thương mại điện tử thông qua các hoạt động như: tập huấn nghiệp vụ về quy định bảo vệ quyền lợi NTD cho cán bộ chuyên môn; tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, NTD trên địa bàn và tổ chức các chương trình tri ân NTD. Tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi phổ biến các nội dung về bảo vệ quyền lợi NTD. Cung cấp số điện thoại tổng đài tư vấn, hỗ trợ để NTD liên hệ khi gặp vướng mắc. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử thông qua các đề án khác nhau như: hỗ trợ tích hợp phần mềm thanh toán trực tuyến, ứng dụng chữ ký số ở một số doanh nghiệp, quảng bá xây dựng thương hiệu, đặt baner doanh nghiệp trên các website uy tín như: www.tuhaoviet.vn, www.vncharm.com, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh… Cùng với công tác tuyên truyền, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân NTD; tổ chức hội thảo, tập huấn, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá. Cục Quản lý thị trường Nam Định chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực thương mại điện tử như: yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì NTD; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường được xuất phát từ các giao dịch điện tử; kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện các ngày mua sắm trực tuyến, mùa mua sắm trực tuyến do cơ quan, doanh nghiệp đăng ký tổ chức; cảnh báo cho NTD những chiêu trò gian lận thương mại thông qua thương mại điện tử, công khai những địa chỉ vi phạm… Cùng với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng tham gia hưởng ứng thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch thương mại điện tử thông qua việc tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh; hỗ trợ kỹ năng giao dịch thương mại điện tử cho NTD; xử lý nhanh những yêu cầu của NTD, kể cả thông tin đặt hàng, hướng dẫn sử dụng và khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khách hàng như EVN, Vinaphone, VNPT, VTVCab, PNJ; các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tiện ích… đã đăng ký thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD như: Xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; thực hiện công khai đường dây nóng, địa chỉ email, số fax chăm sóc khách hàng trên website của đơn vị, website của Chương trình Bảo vệ quyền lợi NTD Trung ương (Bộ Công Thương) và website của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KH và CN)… áp dụng giảm trừ chi phí đối với những giao dịch mua sắm, thanh toán trực tuyến.
Bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch thương mại điện tử là một yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020: có 100% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) và cho phép NTD thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các cơ sở cung ứng điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, áp dụng phổ biến chữ ký số và chứng thư số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử; phấn đấu doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương