Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hải Hòa (Hải Hậu) đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Lãnh đạo Sở NN và PTNT và huyện Hải Hậu tham quan mô hình trồng giống khoai tây Bliss tại xã Hải Hòa. |
Trong chương trình xây dựng NTM, xã đã xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp; vận động thành lập được HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hùng để đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM. Xã đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất tập trung, bao gồm: Vùng nuôi trồng thủy sản, vùng gieo cấy lúa rộng 230ha và vùng trồng rau màu, cây dược liệu rộng 87ha. Tại các vùng quy hoạch, xã đã chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng việc tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, từ năm 2016, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu hoặc nuôi thủy sản kết hợp trồng cây đinh lăng làm dược liệu. HTX đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân. Các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các hội nghị đầu bờ, lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng và tiến bộ kỹ thuật nuôi, trồng cho hội viên, đoàn viên nhằm thúc đẩy phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo quy hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Gia đình bác Mai Văn Ánh ở xóm Xuân Phong đã đầu tư chuyển đổi 3 mẫu ruộng trũng sang nuôi cá lóc bông và tôm càng xanh kết hợp trồng rau màu, cây đinh lăng. Trao đổi với chúng tôi, bác Ánh cho biết: Được cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển sản xuất, gia đình tôi đã quyết định đầu tư thuê máy đào 6 ao nuôi cá lóc bông và tôm thẻ chân trắng. Tận dụng mặt nền bờ ao, tôi trồng đinh lăng, hành, tỏi. Tập trung phát triển nuôi thủy sản, trồng rau màu, cây dược liệu theo hướng dẫn của ngành chức năng, chính quyền địa phương và HTX nên năng suất cá, tôm và rau màu đạt khá. Năm 2019, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 160 triệu đồng… Đánh giá về phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, đồng chí Đỗ Xuân Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, toàn xã đã chuyển đổi được 96ha từ diện tích ruộng làm muối kém hiệu quả trước đây sang nuôi thủy sản và trồng rau màu. Hiện nay, vùng chuyển đổi đã sản xuất hiệu quả với công thức luân canh: rau, hành, tỏi vụ xuân + đỗ, đậu đỏ, dưa lê vụ hè thu + cà chua, dưa chuột đông hoặc chuyên canh nuôi thủy sản với các giống cá truyền thống, cá lóc bông và tôm thẻ chân trắng kết hợp trồng cây dược liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm dược liệu. Nhờ đó, năm 2019 tổng giá trị sản phẩm thu nhập bình quân đạt 170-200 triệu đồng/ha/năm; một số diện tích vùng chuyển đổi đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), xã đã tiến hành xây dựng và trồng khảo nghiệm giống khoai tây Bliss do Australia chọn tạo, được khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2016 và chính thức đưa vào sản xuất thử vào cuối năm 2019. Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, đây là giống khoai tây chíp, ruột trắng được lựa chọn là nguyên liệu phục vụ chế biến. Ưu điểm của giống khoai tây này so với các giống khoai tây đang trồng là thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 95 ngày), năng suất cao hơn từ 20-30% giống khoai tây Atlantic mà người dân đang trồng; không có tình trạng nứt củ, có khả năng kháng bệnh sương mai tốt và có thể trồng sớm hơn. Để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, Viện Sinh học nông nghiệp đã hợp tác với Tập đoàn Orion Hàn Quốc nhận thu mua toàn bộ khoai tây thương phẩm cung cấp cho 2 nhà máy chế biến của tập đoàn tại Bắc Ninh và Bình Dương. Năm 2020, các nhà máy cần 25 nghìn tấn khoai tây thương phẩm phục vụ chế biến và các năm tiếp theo tăng từ 10-15%, do đó người dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Bác Đinh Văn Thiêm, trưởng xóm Xuân Đài Đông cho biết: Vụ đông xuân 2019-2020 là vụ đầu tiên xóm đưa vào trồng thử nghiệm 2 mẫu khoai tây Bliss. Ngay từ khi triển khai xây dựng mô hình, 6 hộ trồng thử nghiệm đã được Viện Sinh học nông nghiệp tổ chức ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đồng thời được đội ngũ cán bộ của Viện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ khoai tây. Do được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt 6-7 tạ/sào, giá bán khoai tây là 9.000 đồng/kg. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống khoai tây này trên địa bàn các xóm có đất màu. Việc xây dựng thành công mô hình trồng khoai tây giống mới đã mở ra hướng sản xuất mới, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác và tạo nguồn thu ổn định cho nông dân địa phương… Cùng với việc tập trung phát triển trồng các loại rau màu, xã chỉ đạo các hộ tiếp tục duy trì ổn định 82ha nuôi thủy sản. Các đối tượng con nuôi thủy sản ngày càng đa dạng, từ việc nuôi cá truyền thống đã được chuyển đổi dần sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn, thị trường ổn định như cá lóc bông, tôm thẻ chân trắng. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp tập trung quy mô vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Các hộ nuôi đã tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019 giá trị sản phẩm thu nhập bình quân đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian tới, xã Hải Hòa sẽ tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao, các loại cây màu có giá trị thu nhập ổn định, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ vào sản xuất. Tiếp tục mở rộng và tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư xây mới hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất cây màu, vùng nuôi thủy sản… Nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, thủy sản của địa phương, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững./.
Bài và ảnh: Văn Đại