Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và có tính chiến lược trong thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thời gian qua, tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các quyết định, hướng dẫn của Trung ương, thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Xã Xuân Ninh (Xuân Trường) quy hoạch sản xuất theo vùng, tạo thế chủ động trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. |
Theo UBND huyện Hải Hậu, trong 5 năm (2015-2020) thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã chủ động quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo vùng, đầu tư các công trình hạ tầng thủy lợi, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn bảo đảm kết nối thuận tiện; xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới. Tuy nhiên đến nay huyện chưa thu hút được nhiều chủ thể, nhất là doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kể cả một số xã, thị trấn có tiềm năng và điều kiện phát triển sản phẩm thế mạnh, chủ lực cũng không thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Còn tại huyện Ý Yên, đồng chí Đinh Đức Tuyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh các chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ đất đai phục vụ sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế chưa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như, các hộ nông dân, xã viên cũng như bản thân HTX Nông nghiệp Yên Cường (đơn vị tiêu biểu trong đầu tư sản xuất rau sạch, quy mô lớn của huyện) có năng lực, trình độ và điều kiện bố trí vốn để mở rộng quy mô sản xuất nhưng hiện tại HTX vẫn phải cân nhắc, duy trì sản xuất ở quy mô 5ha. Công ty TNHH Toản Xuân là doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trong sản xuất, tiêu thụ gạo sạch, chất lượng cao của tỉnh nhưng quỹ đất thuê để sản xuất nguyên liệu trên địa bàn huyện của Công ty đến thời điểm hiện nay cũng chỉ dừng ở 50ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ riêng Hải Hậu, Ý Yên, việc chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư phát triển nông nghiệp là thực trạng của tất cả các địa phương trên toàn tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do còn nhiều khó khăn tác động. Trong đó, một số nguyên nhân chính, gồm: quy định về chuyển đổi đất lúa theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn còn chặt chẽ dẫn đến việc chuyển đổi linh hoạt đất lúa và tích tụ đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Một số chính sách Nhà nước ban hành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản khó tiếp cận vốn; một dự án muốn nhận được tiền hỗ trợ phải qua nhiều bước với hàng chục thủ tục, rất rườm rà, trong khi lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp nên kém hấp dẫn, khó kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Việc bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hạn chế nên chưa khuyến khích, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Tại một số địa phương, đặc điểm cốt đất không đồng đều nên chi phí đầu tư ban đầu để cải tạo đồng ruộng lớn; đồng thời trên bình diện chung quỹ đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh thuộc nền đất yếu dễ chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; nông sản thiếu thị trường tiêu thụ; năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đặc thù trong khuôn khổ quy định và thực tiễn khách quan của tỉnh. Tiếp tục đề xuất Trung ương sớm nghiên cứu cải tiến chính sách hỗ trợ giảm bớt các thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất, do tỷ suất lợi nhuận của nông nghiệp rất thấp. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là chuyển đổi sản xuất theo hướng khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn gắn với phát triển đa dạng và nâng cao năng lực hợp tác, phát triển các chuỗi giá trị liên kết của doanh nghiệp nông nghiệp với các hợp tác xã, hộ sản xuất trong việc đầu tư, bao tiêu và chế biến, tạo thành chuỗi giá trị ngành hàng. Để các hộ dân, doanh nghiệp yên tâm về đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, các ngành, các địa phương tiếp tục áp dụng sâu hơn nữa khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm nông sản; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng chế biến nông sản, nâng cao năng lực tiêu thụ nông sản thông qua các chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, các ngành, các địa phương tăng cường khai thác, tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy