Cùng với các tổ chức tín dụng khác, thời gian qua Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (Quỹ TYM) với mô hình tín dụng hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn được triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh tín dụng quan trọng tại địa phương.
Giao dịch tại trụ sở Quỹ TYM chi nhánh Ý Yên. |
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Duyên, Giám đốc Quỹ TYM chi nhánh Ý Yên cho biết: “Quỹ TYM đã ngày càng mở rộng địa bàn, tạo dựng được uy tín, thực sự trở thành bạn đồng hành của phụ nữ nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 117/228 xã, phường, thị trấn ở 10 huyện, thành phố đã xây dựng, thiết lập điểm giao dịch của Quỹ TYM với 24.400 thành viên. Từ đầu năm đến nay, Quỹ tiếp tục giải ngân được 250 tỷ đồng. Tổng dư nợ của Quỹ đạt 353 tỷ đồng với hơn 3.500 lượt khách hàng giao dịch”. Quỹ đã thực hiện nghiêm túc cơ chế vốn vay, tuân thủ các quy định về chính sách vốn, chủ động tuyên truyền và triển khai sản phẩm vốn đến các thành viên khi có những thay đổi cơ cấu vốn vay, lãi suất. Hiện tại, Quỹ TYM đã điều chỉnh tăng mức vốn vay lần thứ nhất từ 30 triệu lên 40 triệu đồng, mở rộng đối tượng cho vay đối với nhóm nhiễm HIV, người tàn tật với lãi suất ưu đãi được 7,2 tỷ đồng cho 546 thành viên. Quỹ TYM chi nhánh Ý Yên tiếp tục triển khai thí điểm cho vay vốn đầu tư cho các hộ sản xuất kinh doanh lớn và doanh nghiệp siêu nhỏ. Đến nay đã có 654 thành viên vay vốn đầu tư. Qua đánh giá sử dụng vốn vay, hầu hết các gia đình thành viên đều sử dụng vốn có hiệu quả. Các thành viên đều hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn, 3/4 chi nhánh duy trì tỷ lệ hoàn trả 100%, riêng chi nhánh Ý Yên chỉ đạt tỷ lệ hoàn trả 99,99% do có 2 thành viên đầu tư dự án bị thua lỗ. Song song hoạt động vay vốn, tiết kiệm là hoạt động quan trọng của Quỹ TYM, với mục đích tạo thói quen tiết kiệm cho các thành viên, đồng thời tự tạo dựng nguồn vốn cho gia đình thành viên. Các thành viên tham gia đều phải gửi tiết kiệm bắt buộc 15 nghìn - 20 nghìn đồng/tuần và gửi tiết kiệm tự nguyện mỗi tuần ít nhất là 5.000 đồng. Ngoài ra, các thành viên có khoản tiền nhàn rỗi có thể gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 đến 18 tháng. Đã có 4.135 khách hàng, thành viên TYM gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Đến nay, số dư tiết kiệm của các chi nhánh đạt 248 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động của Quỹ TYM cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách như quy mô còn khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý quy định chưa toàn diện, thiếu thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng còn ít. Các chương trình đào tạo, tuyên truyền cung cấp chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch vay vốn, quản lý tài chính, sử dụng vốn vay có hiệu quả chưa nhiều. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thôn, xóm chưa thực sự hiệu quả do thiếu các quy định hướng dẫn. Việc triển khai hoạt động giao dịch chủ yếu tự phát, chưa có sự thống nhất, hỗ trợ tối đa từ phía địa phương. Hạn mức tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện còn thấp, chưa thực sự thu hút khách hàng có nhu cầu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả, ngày 5-11-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 19/2019/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Với các quy định về điều kiện thành lập, mạng lưới hoạt động cũng như mở rộng thêm quy mô, hoạt động nghiệp vụ tại điểm giao dịch của tổ chức tài chính vi mô, Thông tư đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng góp phần thúc đẩy hoạt động của Quỹ TYM. Theo đó, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô được được thực hiện thêm một hoặc một số hoạt động sau tại điểm giao dịch như: nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng; tư vấn, hướng dẫn việc thành lập nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn; tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ vay vốn; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng đã ký giữa chi nhánh hoặc phòng giao dịch với khách hàng; chi trả tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô. Đặc biệt, Thông tư đã nâng hạn mức nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của một khách hàng lên tối đa 1 triệu đồng/lần (hiện hành không quá 300 nghìn đồng/lần gửi trên một khách hàng). Ngoài ra, việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch do chi nhánh, phòng giao dịch quản lý trong phạm vi địa bàn hoạt động tại địa phương đều phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tài chính vi mô quyết định mở hoặc chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch. Trong thời hạn 5 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu tiên hàng quý, tổ chức tài chính vi mô hoặc chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô phải gửi văn bản thông báo danh sách các điểm giao dịch qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh. Như vậy, nghiệp vụ của điểm giao dịch tổ chức tài chính vi mô nói chung trong đó có Quỹ TYM đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định hiện hành trước đây chỉ đơn thuần thu, gửi tiết kiệm. Đồng thời, Thông tư cũng nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong việc giám sát, quản lý các tổ chức tài chính vi mô trong đó có Quỹ TYM trên địa bàn mình quản lý.
Đại diện Quỹ TYM chi nhánh tỉnh khẳng định, Thông tư 19 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quỹ. Quý I năm 2020, số lượng tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Quỹ TYM cũng đa dạng hoá hơn các sản phẩm dịch vụ vay hỗ trợ phụ nữ nghèo, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong đó, Quỹ đã triển khai chương trình vay vốn phát triển nông nghiệp - nông thôn với mức vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,025%/tuần, hoàn trả trong 50-52 tuần; Quỹ TYM chi nhánh Hải Hậu và Nam Trực đã áp dụng thí điểm chương trình vay vốn hỗ trợ khắc phục thiên tai đối với các thành viên TYM ở khu vực ven biển. Thời gian tới, Quỹ TYM chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển thành viên, đa dạng các sản phẩm vốn vay, tăng cường hỗ trợ các thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; phấn đấu đến hết năm 2020 kết nạp thêm 2.588 thành viên vào tham gia TYM nâng tổng số toàn tỉnh là hơn 26 nghìn thành viên; triển khai thêm hoạt động vay vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo tại 17 xã, phường mới. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn đạt 28%, dư nợ vốn đạt gần 400 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn