Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản

08:03, 17/03/2020

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích qua đó đưa phong trào nuôi thủy sản phát triển ở nhiều nơi với các hình thức đa dạng như: nuôi cá ao, nuôi cá ruộng, nuôi cá lồng... tại các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Xuân Trường. Nhiều khu nuôi thủy sản nước mặn, lợ tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Đến nay, diện tích, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh ta liên tục tăng, đã và đang góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. 

Nông dân Hải Hậu chủ động phòng chống dịch bệnh cho thủy sản.
Nông dân Hải Hậu chủ động phòng chống dịch bệnh cho thủy sản.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, môi trường nước mặt luôn có nguy cơ bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến sự phát triển của thủy sản. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thường thay đổi đột ngột khiến thủy sản hay bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các loại khí độc (H2S, NH3…) làm cho sức đề kháng của con nuôi giảm, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Vì vậy, người nuôi thủy sản luôn phải chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác vệ sinh, cải tạo ao đầm trước khi thả giống, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi. Từ sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của các ngành chức năng nên nhìn chung các hộ nuôi luôn cố gắng chấp hành nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và mùa vụ nuôi theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Anh Nguyễn Văn Liêm, xã Hải Hòa (Hải Hậu) có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết: “Với diện tích 1,5ha nuôi tôm, năm nào cũng vậy, trước khi thả giống, tôi đã rắc vôi bột, cải tạo lại toàn bộ ao đầm nuôi. Để đảm bảo nguồn nước nuôi tôm luôn sạch, tôi đã xây dựng hệ thống ống lọc qua cát. Nước biển được bơm lên từ độ sâu khoảng 1,5-4m qua giếng khoan về khu xử lý, sau đó được phân phối qua dàn ống đục lỗ, phun trực tiếp trên mặt bể lọc. Qua lớp cát, nước được lọc sạch rồi đưa sang bể chứa trước khi được phân phối tới các ao nuôi. Bên cạnh đó, tôi còn định kỳ 2 lần/tuần trộn VitaminC vào thức ăn cho tôm theo đúng liều lượng và cách sử dụng của nhà sản xuất để nâng cao sức đề kháng cho tôm cá nhất là trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp”. Nhờ chú trọng công tác phòng bệnh cho thủy sản, thực hành đúng kỹ thuật nên đàn tôm của anh Liêm luôn tăng trưởng tốt. Mỗi năm trừ chi phí anh có thu nhập khoảng 800 triệu đồng.

Ngoài môi trường ao nuôi, chất lượng con giống tốt cũng là yếu tố quan trọng quyết định con nuôi phát triển khỏe mạnh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng con giống; tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản theo đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ từng lô hàng; quản lý và thực hiện tái kiểm dịch đối với con giống thủy sản nhập từ tỉnh ngoài, đồng thời quản lý vật tư, hóa chất, thuốc thú y thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường lưu thông trên thị trường. Các ngành chức năng cũng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản, cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản theo quy định; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện. Sở NN và PTNT đã triển khai các đợt tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản; nâng cao nghiệp vụ thú y thủy sản cho cán bộ, thú y cơ sở. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở, vùng nuôi an toàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, phát hiện sớm chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, từng bước bao vây, khống chế các bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản, nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Ngoài ra, Sở NN và PTNT đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y, các kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra. Ngoài sự giám sát, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, người nuôi trong tỉnh cũng đã tự nâng cao nhận thức, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản như: tăng cường giám sát, khai báo, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh tới các đơn vị chuyên môn thú y thủy sản. Đặc biệt, các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú thường hay mắc các bệnh như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan cấp… cũng được người nuôi chú trọng phòng ngừa dịch bệnh hơn cả. Khi các ao, đầm nuôi bị dịch bệnh đã tiến hành xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng. 

Thời gian tới, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi của các hộ dân; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh; chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Đây là những yếu tố quan trọng giúp ngành kinh tế nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



Cửa hàng Hải Sản Trung Nam chất lượng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com