Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bước sang năm 2020, đa số các ngân hàng đều nhận thức được chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn trong hoạt động, là xu thế tất yếu tăng sức cạnh tranh cho đơn vị. 96% số ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0, 92% số ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile; nhiều ngân hàng đã thành lập trung tâm ngân hàng số, từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực. Hầu hết các ngân hàng đã số hóa dịch vụ thanh toán và đang tiếp tục số hoá cho các dịch vụ còn lại.
Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) chi nhánh Bắc Nam Định đi đầu trong ứng dụng công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi ngân hàng số. |
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bắc Nam Định đã tích cực số hóa hoạt động kinh doanh, hướng tới người tiêu dùng hiện đại với mục tiêu nhanh chóng trở thành ngân hàng số. Trong tháng 12-2019, VietinBank Bắc Nam Định đã giới thiệu ra thị trường phiên bản iPay Mobile hoàn toàn mới, được xem là ngân hàng số của VietinBank. Không chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng mà VietinBank còn cung cấp các dịch vụ ngoài ngân hàng trên iPay Mobile App, từng bước hướng tới việc cung cấp dịch vụ của mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày của khách hàng như mua sắm online, đặt phòng khách sạn, tàu xe… Ứng dụng được xây dựng trên nền tảng di động kết hợp với công nghệ mới nhất cho phép quá trình xử lý thông tin nhanh gọn, chính xác. Giải pháp xác thực mới Soft OTP trên VietinBank iPay Mobile được đánh giá là giải pháp bảo mật vững chãi giúp khách hàng thực hiện xác thực nhanh chóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối so với các hình thức xác thực truyền thống. Thời gian tới, VietinBank sẽ liên tục nâng cấp và cải tiến ứng dụng Mobile Banking của mình, đặc biệt, phần mềm trợ lý ảo sẽ sớm được ra mắt giúp tư vấn tài chính cá nhân của khách hàng được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn. Quý I-2020, dự kiến công nghệ nhận dạng sinh trắc học cũng sẽ được từng bước triển khai tại các chi nhánh của VietinBank trên địa bàn tỉnh. Nhận diện sinh trắc học qua khuôn mặt, vân tay sẽ giúp tăng trải nghiệm khách hàng khi tới quầy giao dịch. Khách hàng đến quầy sẽ được nhận diện và phân luồng phục vụ tự động, tự thực hiện các giao dịch bằng các thiết bị ngoại vi kết nối trực tiếp với hệ thống ngân hàng. Các ki-ốt thông minh sẽ được đặt tại các trung tâm thương mại, các khu mua sắm, nơi chưa có hiện diện của ngân hàng để phục vụ nhu cầu tài chính của khách hàng như thanh toán, rút tiền, mở tài khoản… một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Trong hoạt động nghiệp vụ vận hành, VietinBank chi nhánh Bắc Nam Định đang triển khai thí điểm công nghệ tự động hóa - Robotic Process Automation (RPA). Toàn bộ các quy trình từ tài trợ thương mại, cho vay, giao dịch tiền mặt, quản lý nhân sự, phát hiện gian lận... những tác vụ có khối lượng xử lý công việc lớn, mang tính thủ công chuyên sâu, tiềm ẩn nhiều rủi ro và lỗi tác nghiệp được rà soát và sẽ từng bước áp dụng RPA. Thông qua RPA, thời gian tác nghiệp được rút ngắn, thời gian phục vụ khách hàng giảm giúp cải thiện sự hài lòng của khách hàng VietinBank. Nhờ việc tích cực áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, VietinBank đang ngày càng thấu hiểu thị hiếu của khách hàng mình hơn. Hiện tại, VietinBank chia khách hàng ra thành các phân khúc với những đặc điểm nhân khẩu học, thói quen và thị hiếu tiêu dùng khác nhau, phân tích “360 độ” về từng khách hàng, từ đó triển khai các gói sản phẩm kết hợp, sản phẩm bán chéo nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. VietinBank đã xây dựng và triển khai các ứng dụng phục vụ nội tại như ChatBot xin và phê duyệt nghỉ phép từ xa, giúp tra cứu hướng dẫn tác nghiệp trên các hệ thống công nghệ thông tin; tra cứu các thông tin, chính sách sản phẩm… Ngoài ra, VietinBank sẽ tiếp tục phát triển các ChatBot hỗ trợ cho khách hàng như khóa/mở thẻ, bot tư vấn tài chính cá nhân, hỗ trợ sử dụng sản phẩm VietinBank. Tính riêng tại hệ thống VietinBank chi nhánh Bắc Nam Định, đồng chí Trần Thị Anh Đào, Phó Giám đốc cho biết: “Số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ VietinBank Ipay đến nay là hơn 15 nghìn khách hàng, tăng gấp đôi so năm 2019. Số lượng giao dịch trên các kênh thanh toán ngoài quầy như Efast, Ipay, ATM, POS là hơn 1,5 triệu giao dịch. Ngoài ra, năng suất lao động của chi nhánh tăng hơn 40% so với năm 2019, thời gian giao dịch cuối cùng trên các hệ thống giảm từ 30 đến 45 giây so với trước đây. Một số giao dịch thanh toán chuyển tiền đến đã được phân luồng hạch toán tự động, giảm bớt tác nghiệp thủ công cho cán bộ, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng”.
Để thực hiện đúng hướng chiến lược về ngân hàng số, mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Định và chi nhánh Thành Nam tiếp tục triển khai 20 dịch vụ thanh toán hóa đơn mới trên tất cả các kênh internet và mobile; thí điểm dịch vụ chấp nhận thanh toán hiện đại khác như thẻ Visa Pay Wave, QR code, VNPay, Pay+QR... Và cũng để hoàn thiện phần hạ tầng, ngân hàng đã nâng cấp và phát triển mới 103 chương trình, phần mềm nhằm từng bước chuyển dịch các sản phẩm, dịch vụ sang kênh “số hóa”, rút ngắn thời gian giao dịch. Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) chi nhánh Nam Định hiện xây dựng thành công hệ sinh thái ngân hàng số hoàn chỉnh, với những sản phẩm, dịch vụ như Ngân hàng tự động 24/7 LiveBank, ứng dụng tiết kiệm điện tử Savy, cổng thanh toán mPOS, QuickPay, ngân hàng số eBank và các sản phẩm thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế, thẻ nội địa với nhiều tiện ích, an toàn, bảo mật, tích hợp công nghệ mang tính xu hướng như thanh toán không chạm, chip bảo mật thế hệ mới an toàn, hiện đại. Trong công tác quản trị, TPBank đưa vào triển khai nhiều hệ thống hiện đại như CRM - hệ thống quản trị mối quan hệ khách hàng hay LOS - hệ thống quản trị khoản vay; điều này giúp ngân hàng gia tăng mạnh mẽ khả năng tìm kiếm khách hàng mới, số hóa giấy tờ, xử lý hồ sơ bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) phê duyệt các khoản vay nhanh chóng, đưa TPBank trở thành một trong các ngân hàng có tốc độ phê duyệt hồ sơ khoản vay của khách hàng nhanh nhất trên thị trường. Anh Trần Tiến Dũng, trú tại ngõ 160 đường Phan Đình Phùng (TP Nam Định) cho biết: “Từ lúc ngân hàng cung cấp các ứng dụng dịch vụ trên điện thoại thông minh, tôi không cần phải thu xếp thời gian để đi nộp tiền điện, nước, internet ở các nơi như trước đây, mà chỉ cần thao tác ngay trên điện thoại ở bất cứ đâu. Ngoài ra, ứng dụng gửi tiền tiết kiệm online cũng được tôi sử dụng thường xuyên tạo thói quen tiết kiệm hạn chế tiêu xài quá tay.
Thời gian tới, để phát triển ngân hàng số mạnh mẽ hơn nữa, ngành Ngân hàng sẽ phải nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; lựa chọn mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số; đảm bảo xử lý tốt các thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số./.
Bài và ảnh: Đức Toàn