Xác định vụ lúa xuân là vụ sản xuất chính trong năm nhằm bảo đảm cơ bản lượng lương thực cho cả năm nên việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất đã được ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị chu đáo. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân trong tỉnh đã hối hả xuống đồng, quyết tâm hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân trước ngày 20-2.
Nông dân xã Hải Quang (Hải Hậu) cấy lúa xuân. |
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của xã Trực Đại (Trực Ninh) đang tấp nập người ra đồng san đất, be bờ chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động hối hả ngày đầu năm mới với sự kỳ vọng vụ lúa xuân sẽ bội thu. Mỗi người một việc, người thì bừa ngả, san ruộng, người thì bón lót, chuẩn bị đưa mạ xuống đồng. Nhà cấy hơn 4 sào ruộng, ngay sau những ngày Tết, chị Nguyễn Thị Lành ở thôn Khai Quang đã thực hiện bón phân theo phương châm “bón lót sâu - bón thúc sớm”, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây lúa sau khi cấy. Chị Lành cho biết, theo hướng dẫn của HTX, chị bón lót 25kg phân NPK cho mỗi sào, bón trước khi bừa cấy để khi cấy xong là đất đã có chất nuôi cây, bảo đảm lúa bén rễ và sinh trưởng phát triển tốt...
Triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân 2020, những ngày qua, Ban nông nghiệp xã Cộng Hòa (Vụ Bản) đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân trong xã gieo mạ, làm đất, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Theo kế hoạch, vụ xuân 2020, xã Cộng Hòa gieo cấy 460ha bằng các giống lúa Bắc Thơm số 7 và Nhị ưu 838. Trong đó, diện tích gieo sạ ở xã chiếm tới 97%. Để đảm bảo có đủ số lượng thóc giống chất lượng phục vụ nông dân gieo cấy vụ xuân, Ban nông nghiệp xã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã chủ động tổ chức cung ứng 2.400kg thóc giống Bắc Thơm và 150kg thóc giống Nhị Ưu 838 cho các hộ xã viên. Bên cạnh đó, Ban nông nghiệp xã phối hợp với HTX tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, cấy và chăm sóc lúa, cây màu cho hơn 200 lượt nông dân trong xã trước khi vào vụ sản xuất. Trong công tác chỉ đạo làm đất, ngay từ trong năm xã đã huy động 8 máy cầy lồng to và 50 máy cầy lồng nhỏ tập trung làm đất gieo cấy. Đến ngày 5-2 xã hoàn thành khâu làm đất theo phương châm “ruộng chờ mạ” để phục vụ gieo sạ và cấy lúa của bà con nông dân. Từ ngày 7-2, xã Cộng Hòa xuống đồng gieo sạ, cấy lúa xuân, phấn đấu hoàn thành toàn bộ diện tích vào ngày 15-2...
Do chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ gieo cấy như: Công tác lấy nước, làm đất, chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp đầy đủ, chu đáo nên việc xuống đồng gieo cấy lúa xuân của nông dân trong tỉnh khá tập trung, bảo đảm trong khung thời vụ và theo đúng kế hoạch chỉ đạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp. Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 73.100ha; trong đó, diện tích gieo sạ 42 nghìn ha, chiếm 57% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân năm nay. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vụ xuân này các địa phương tập trung sử dụng các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ. Những chân ruộng nhiễm chua, mặn hoặc úng trũng cần tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Cụ thể, các huyện phía nam tỉnh, cơ cấu cấy giống lúa lai 15%, lúa thuần 85% diện tích; các huyện phía bắc tỉnh cấy 86% diện tích lúa thuần, còn lại là giống lúa lai. Các giống lúa thuần chủ đạo là: Bắc thơm số 7, Nếp 97, TBR279, TBR225, Nàng xuân, NDD5, Nếp Hưng Yên...; giống lúa lai, bao gồm: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Tej vàng, TH3-3, 6129 vàng. Mở rộng trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: Ly 2099, LT2 kháng bạc lá, LP5, Nhiệt đới 15, Lộc trời 183, Nếp Đài Loan, BC15 kháng đạo ôn. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, các HTX nông nghiệp và các hộ nông dân áp dụng mô hình mạ khay - máy cấy trong vụ xuân. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, mặc dù nguồn nước ngọt thiếu hụt nhưng do tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo lấy nước từ trước Tết Nguyên đán, kết hợp với lượng nước mưa trong dịp đầu năm mới nên đến ngày 8-2, toàn tỉnh đã bảo đảm đủ lượng nước cho việc làm đất và gieo cấy lúa xuân. Việc gieo mạ dược và mạ dày xúc cũng được bà con thực hiện trước Tết Nguyên đán, mạ nền gieo sau Tết nhằm bảo đảm mạ đủ tuổi mới xuống đồng cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Riêng đối với việc gieo sạ, tập trung xử lý tốt hạt giống để phòng bệnh lùn sọc đen có thể xuất hiện hại lúa xuân. Từ ngày mùng 6-2 thời tiết thuận lợi, nắng nhẹ, không khí ấm nên bà con đã tranh thủ tập trung làm đất kỹ, san ruộng, dọn cỏ, bắt ốc bươu vàng, xuống đồng cấy lúa xuân. Nhờ đó đến hết ngày 9-2, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 18 nghìn ha, bằng 25% tổng diện tích lúa xuân. Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh là: Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên... Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để hạn chế sâu bệnh cũng như việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng, các HTX nông nghiệp cần khuyến cáo nông dân phun đúng thời điểm và liều lượng theo hướng dẫn, không sử dụng các loại thuốc không có trong danh mục để tránh lãng phí và tồn dư của thuốc cỏ để lại trên đồng ruộng gây ảnh hưởng sức khỏe nông dân và môi trường.
Hiện nay, thời tiết đang rét đậm, các địa phương tập trung hướng dẫn bà con tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện, khi nhiệt độ từ 150C thì tranh thủ xuống đồng đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân, phấn đấu hoàn thành việc gieo cấy xong trước ngày 20-2, sau đó sẽ chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa ngay từ đầu vụ. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vụ xuân năm nay lượng mưa sẽ ít hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, khả năng nguồn nước trên các dòng sông lớn cũng thấp và thiếu hụt so với các năm trước, vì vậy sau khi gieo cấy xong lúa xuân, các địa phương phải có phương án tích nước trên các trục sông ngầm, kênh mương, ao hồ để có đủ nguồn nước phục vụ chăm sóc, đảm bảo lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt tạo tiền đề giành vụ lúa xuân thắng lợi./.
Bài và ảnh: Văn Đại