Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, các kênh thanh toán đa dạng nên những năm gần đây, người mua và người bán dù ở bất kỳ vị trí nào có kết nối internet trên toàn cầu đều dễ dàng giao dịch mua bán hàng hóa thông qua các trang thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát thì giao dịch TMĐT đã tăng đột biến. Hoạt động TMĐT đem lại cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng internet và cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (google, facebook...) nguồn lợi khá lớn. Để tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, việc quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch TMĐT đã được quan tâm triển khai nhưng giống như các địa phương trên toàn quốc, thời gian qua ngành Thuế tỉnh gặp nhiều vướng mắc khi thu thuế của các tổ chức, cá nhân này.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Giao Thủy rà soát trao đổi phương án quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch thương mại điện tử. |
Hoạt động TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng trên toàn quốc và cả xuyên biên giới (có hai chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam) nên có nhiều kẽ hở phát sinh khiến ngành Thuế khó quản lý. Cụ thể: Khó xác định, kiểm soát nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập để quản lý thuế; khó xác định đúng doanh thu cũng như mức lợi nhuận của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số. Trong đó, chỉ tính riêng các giao dịch TMĐT trong nước ngành Thuế gặp khó khăn nhất là quản lý thuế của các cá nhân kinh doanh vì địa chỉ cư trú không rõ ràng, tên đăng ký trên mạng thường khác với tên ngoài đời thực, giao dịch bằng tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ, chỉ sử dụng trang mạng xã hội, website để quảng cáo sản phẩm nhưng lại bán hàng qua điện thoại, tin nhắn. Trong khi đó, các đơn vị cho thuê máy chủ chưa hợp tác trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp vận hành các website bán hàng khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong thu nhập thông tin. Bên cạnh đó, việc xác định, quản lý thuế của các hoạt động TMĐT xuyên biên giới chiều từ nước ngoài vào còn khó khăn hơn do nhiều tổ chức, doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam, không trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng ký, khai và nộp thuế. Ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT chưa cao, còn tìm mọi cách để trốn tránh nộp thuế.
Theo Cục Thuế tỉnh, để xử lý các bất cập kể trên, ngành Thuế đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thu thuế online; bổ sung quy định, trách nhiệm liên quan đến việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế kinh doanh TMĐT của các ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan. Luật Quản lý Thuế năm 2019 đã quy định khung quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Trong đó, quy định hoạt động TMĐT xuyên biên giới chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, đối tượng này đã đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam do đó áp dụng quy định như tổ chức, cá nhân bình thường. Đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới của các tổ chức, doanh nghiệp chiều từ nước ngoài vào và không có trụ sở tại Việt Nam phải áp dụng phương pháp quản lý thuế trực thu. Để quản lý tốt thuế trực thu, Luật quy định nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp, hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định; nếu không đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Khi áp dụng quy định khấu trừ tại nguồn, các ngân hàng thương mại sẽ thực thi nhiệm vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động TMĐT phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Theo đó, ngành Thuế sẽ phải phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để xác định được các tiêu chí và hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại khấu trừ các khoản thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới.
Để các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số nghiêm túc thực hiện hiệu quả Luật Quản lý Thuế số 38, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để toàn thể nhân dân nắm bắt, hiểu rõ và thực thi; tập trung rà soát, xây dựng các phương án triển khai phù hợp với từng đối tượng có hoạt động TMĐT tại địa phương. Trong đó, sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích cá nhân kinh doanh TMĐT đăng ký thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng thương mại để tổng hợp dòng tiền đối với tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm tại các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Google Play, Apple Store...; tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp. Chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương phối hợp cơ quan thuế tăng cường quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT qua mạng trên địa bàn. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan; cơ quan thuế sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan (các nhà mạng, cơ quan quản lý khác của Nhà nước...) ngăn chặn các giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có hành vi cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế. Phối hợp đăng tải thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT qua mạng có hành vi trốn thuế công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về thuế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy