Thời gian gần đây, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/ĐP) của tỉnh đã đạt được nhều kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng phạm tội, công tác đấu tranh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.
Cán bộ Chi cục QLTT thành phố Nam Định, Mỹ Lộc kiểm soát hàng hóa thu giữ trước khi lưu kho. |
Trong năm 2019, trên địa bàn toàn quốc nói chung và của tỉnh nói riêng, tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường xuyên biến động như: xăng, dầu, gas, vàng, bạc, ngoại tệ và thực phẩm… Đặc biệt dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên toàn tỉnh khiến giá lợn và sản phẩm từ lợn tăng cao, chăn nuôi lợn giảm sút. Do vậy đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tình hình vi phạm pháp luật về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi; đối tượng vi phạm có cả tổ chức và cá nhân thuộc nhiều ngành hàng, lĩnh vực. Theo thống kê năm 2019, các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP đã tiến hành kiểm tra 3.183 lượt, qua kiểm tra đã xử lý 2.298 vụ vi phạm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là gian lận thương mại và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổng số tiền phạt là 67,6 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính là trên 18,4 tỷ đồng; truy thu thuế trên 49,1 tỷ đồng; tịch thu hàng hoá trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Quyền Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định, Phó trưởng BCĐ 389/ĐP cho biết: Hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn thành phố Nam Định ngày càng tinh vi, phức tạp; đối tượng buôn lậu sử dụng các thiết bị, phương tiện có khả năng cơ động cao và sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, bắt giữ. Trong khi đó lực lượng, phương tiện, trang bị phục vụ công tác phòng, chống gian lận thương mại còn hạn chế; cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với lực lượng chuyên trách chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Mặt khác, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật lại thiếu đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp, nhưng việc sửa đổi, bổ sung còn chậm… Riêng lực lượng QLTT còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý hàng hóa vi phạm bị tịch thu do hiện nay, Cục QLTT Nam Định đã chuyển về Bộ Công Thương quản lý nên mọi hoạt động xử lý hàng hóa tịch thu phải chờ hướng dẫn của Bộ… Trong khi đó, vấn đề kho bãi phục vụ việc bảo quản, lưu trữ hàng hóa thu giữ chờ xử lý không đảm bảo yêu cầu khiến lực lượng gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi thực hiện sát nhập các đơn vị thành viên, hiện tại Cục QLTT còn 5 Chi cục nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đa số Chi cục đều phải đi thuê trụ sở, kho bãi lưu trữ hàng hóa thu giữ nên không đảm bảo yêu cầu cả về diện tích và trang thiết bị. Chi cục QLTT thành phố Nam Định, Mỹ Lộc quản lý địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc nhưng kho chứa hàng vẫn phải đi thuê với diện tích khoảng 20m2. Tất cả hàng hóa thu giữ đều được bảo quản trong kho nên không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến chất lượng cũng như việc chống côn trùng, chuột, gián xâm nhập. Thậm chí có khi số lượng hàng hóa quá nhiều phải để tạm sang phòng làm việc của các cán bộ. Đặc biệt đối với những mặt hàng có yêu cầu điều kiện bảo quản khắt khe đặc biệt như thủy hải sản, thực phẩm đông lạnh, gia cầm, khí gas, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và sữa dành cho trẻ em thì đơn vị buộc phải đi thuê kho bãi chuyên dụng để đảm bảo an toàn hàng hóa đến khi quyết định xử lý vụ việc hoàn tất. Đối với hàng hóa phải tiêu hủy như thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm, thuốc trừ sâu… tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong khi kinh phí tiêu hủy rất hạn chế. Một khó khăn nữa trong công tác xử lý vụ việc vi phạm là công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến việc, bảo quản hàng hóa tạm giữ và thiết lập hồ sơ xử lý. Khả năng phân biệt hàng thật - hàng giả của các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng còn hạn chế, chủ yếu mới phát hiện đối tượng buôn bán, tiêu thụ chứ chưa truy được nơi phát sinh nguồn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để giải quyết những khó khăn trong đấu tranh chống gian lận thương mại, BCĐ 389/ĐP đã yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giúp nhân dân nhận biết hàng thật - hàng giả. Chủ động phối hợp với cơ quan tuyên truyền thông tin cho người dân biết để thận trọng khi lựa chọn mua sắm hàng hóa. Tổ chức phát động người dân tham gia đấu tranh với các hành vi buôn lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả và kém chất lượng. Tăng kinh phí, biên chế cho lực lượng chức năng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và từng bước đổi mới, nâng cấp, trang bị thêm phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác giám định, kiểm tra nhanh cho các đơn vị trực tiếp kiểm soát thị trường. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp trong cả việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như hỗ trợ bảo quản, lưu trữ hàng hóa. Chẳng hạn hàng hóa là thủy hải sản đông lạnh, thuốc bảo vệ thực vật… đơn vị chủ trì xử lý sẽ phối hợp với ngành NN và PTNT để được hỗ trợ giám định chất lượng và bảo quản hàng hóa trong kho chuyên dụng của các đơn vị do ngành quản lý; đối với nhóm sản phẩm hàng hóa là xăng, dầu, gas, khí đốt, Sở Công Thương sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hỗ trợ; nhóm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sẽ do ngành Y tế hỗ trợ khâu kiểm định chất lượng, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó BCĐ 389/ĐP cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tình hình mới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương