Những ngày đầu năm mới, ngư dân các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng lại bắt đầu công việc quen thuộc “vươn khơi bám biển”. Từ ngư dân “vươn khơi xa” cho đến ngư dân khai thác thủy sản ven bờ đều mong muốn một mùa bội thu tôm cá. Nghề khai thác thủy sản ven bờ đã trở thành nghề “truyền thống” của những người dân vùng biển. Để hoạt động khai thác ven bờ phát triển ổn định mà không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên thì ngoài sự quản lý của các ban, ngành chức năng, người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bến cá Giao Hải (Giao Thủy) tấp nập mỗi khi ngư dân khai thác trở về. |
Toàn tỉnh hiện có 2.136 tàu thuyền khai thác thủy hải sản. Trong đó, có khoảng 1.000 tàu thuyền khai thác thủy sản ven bờ, với nhiều loại hình thức khác nhau như nghề lưới rê, nghề lờ, lú, te xiệp, đăng… Đại bộ phận chủ sở hữu các phương tiện khai thác là các hộ gia đình có thu nhập bấp bênh, đánh bắt tự phát theo kinh nghiệm, nên không có đủ nguồn lực để nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn, vì thế hiệu quả kinh tế chưa cao. Hiện nay, cường lực khai thác thủy sản ven bờ ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm mạnh, nhiều loài hải sản có nguy cơ cạn kiệt. Một bộ phận ngư dân đã dùng mọi biện pháp để tăng sản lượng mỗi chuyến đánh bắt như giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng những biện pháp mang tính chất hủy diệt như dùng xung điện… Trong khi đó, quy hoạch thủy sản giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 sẽ giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ; tăng tàu công suất lớn, tiến tới phát triển nghề cá theo hướng hàng hóa, hiện đại. Để làm được điều đó, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển tổ chức rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện phân cấp quản lý tàu cá; triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững thủy sản ven bờ, xây dựng mô hình đồng quản lý nghề khai thác thủy sản, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt việc cấp phép đóng mới tàu cá, số lượng tàu cá đã được chuyển nhượng, trong đó sẽ hạn chế cấp giấy phép cho tàu hành nghề khai thác ven bờ. Đồng thời, các cơ quan chức năng kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề hoặc nâng cấp, đóng mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát tàu cá. Hiện toàn tỉnh có 36 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã đăng ký và cấp Giấy phép khai thác thủy sản (gồm huyện Giao Thủy 7 chiếc, huyện Hải Hậu 18 chiếc, huyện Nghĩa Hưng 11 chiếc). Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy sản cho mọi người dân nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người; sử dụng những dụng cụ khai thác thân thiện môi trường; không khai thác trong thời gian thủy sản sinh sản, chưa đến thời kỳ khai thác và các đối tượng cấm khai thác; không khai thác trong vùng cấm; khai thác thủy sản với ngư cụ có kích thước mắt lưới đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; xây dựng chính sách xã hội ưu đãi như hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề để người dân chuyển đổi nghề có sinh kế thích hợp, giảm áp lực trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Trong tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2019, đã phối hợp với các đơn vị trong ngành tiến hành thả 3 triệu con giống thủy sản các loại để tái tạo nguồn lợi tại các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức hoạt động phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Việc quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản ven bờ vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi sinh, môi trường biển, vừa giúp người dân thực hiện khai thác bền vững và đạt hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa