Triển khai các biện pháp diệt cỏ dại và ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân

07:02, 06/02/2020

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN và PTNT), để chủ động ngăn chặn cỏ dại và ốc bươu vàng bảo vệ tốt sản xuất vụ xuân 2020, các địa phương và nông dân cần tập trung làm đất kỹ, thu dọn hết cỏ dại, san phẳng ruộng và làm cỏ sớm. Sau khi cấy từ 10-15 ngày và bón thúc lần 1, kết hợp làm cỏ sục bùn bằng tay hoặc cào răng lược, đồng thời giữ mực nước trong ruộng thích hợp ở thời gian sau khi lúa mới cấy đến đẻ nhánh có tác dụng hạn chế cỏ dại rất tốt. Khi sử dụng các loại thuốc hoá học cần lựa chọn thuốc trừ cỏ có hiệu lực cao nhưng ít độc hại với người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng. Đối với lúa sạ, sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm, thuốc có tính an toàn cao. Đối với lúa cấy, chủ yếu sử dụng các loại thuốc tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm. Để bảo đảm phát huy hiệu quả của thuốc nên sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc; không phun tăng liều, chồng lối; không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 150C hay mực nước trong ruộng lớn (ngập đỉnh sinh trưởng của lúa). Sau khi xử lý thuốc cần giữ mực nước đều từ 1-3cm trong 3-5 ngày để tăng hiệu lực trừ cỏ của thuốc. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc trừ cỏ. Đối với ruộng có nhiều cỏ đuôi phụng cần xử lý bằng thuốc có hoạt chất Cyhalofop-butyl; đối với ruộng có nhiều cỏ lồng vực nên sử dụng thuốc có hoạt chất Quinclorac. Thuốc trừ được cả cỏ đuôi phụng và cỏ lồng vực có các loại: Linhtrơ 200EW, Topshot 60OD, Pitagor 550WP, Topmost 60OD… Thuốc trừ cỏ rất dễ gây ngộ độc ảnh hưởng đến cây trồng nên bà con hạn chế sử dụng thuốc, không lạm dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ trên bờ ruộng, ven đường tránh ảnh hưởng đến cây trồng, con người và môi trường; chỉ dùng thuốc cho những ruộng có tiền sử nhiều cỏ, thường xuyên mất nước. 

Đối với ốc bươu vàng sử dụng biện pháp thủ công bằng cách tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng, khi tháo nước, dồn ốc tập trung xuống rãnh để thu gom; cắm cọc rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng để diệt; dùng lưới mắt cáo bằng kim loại, lưới nilon có lỗ nhỏ hoặc phên chặn trước cửa ruộng, mương máng, cống dẫn nước vào ruộng... để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập vào ruộng lúa, đồng thời dễ thu gom diệt ốc. Các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ. Ốc thu gom được đem tiêu hủy hoặc nghiền nát, ngâm ủ dùng làm phân bón cho cây trồng hoặc thức ăn chăn nuôi. Cụ thể áp dụng biện pháp sinh học là thả vịt vào mương máng, ruộng lúa đã cứng cây hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc con. Nếu dùng thuốc hóa học, chỉ dùng khi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ không thể bắt bằng tay, khi phun thuốc cần hoành triệt không cho nước trong ruộng chảy ra mương máng trong 3 ngày. Không phun thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên sử dụng thuốc nhóm hoạt chất Metaldehyde an toàn cho cây trồng và ít độc đối với động vật thuỷ sinh. Diệt ốc bươu vàng phải mang tính chất cộng đồng, tự giác, thường xuyên, đúng phương pháp. Thuốc trừ ốc bươu vàng rất độc đối với động vật thủy sinh nên việc diệt trừ ốc bươu vàng được khuyến cáo dùng biện pháp thủ công là chính. 

Để phòng trừ cỏ dại và diệt ốc bươu vàng an toàn, hiệu quả, Sở NN và PTNT đề nghị Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp và hộ nông dân thực hiện theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com