Phòng, chống sâu keo mùa thu bảo vệ sản xuất

08:02, 13/02/2020

Trước tình trạng sâu keo mùa thu đã xuất hiện, gây hại mạnh trên ngô ở các địa phương trong tỉnh và lây lan gây hại trên lúa mùa 2019, Sở NN và PTNT vừa ban hành quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu nhằm giảm tổn thất, góp phần bảo vệ sản xuất.

Theo đó, các địa phương cần tích cực phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng, chống sâu keo mùa thu hiệu quả và an toàn. Đối với cây ngô, trước khi gieo hạt, tiến hành xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng, chống sâu keo ở giai đoạn đầu từ khi cây ngô nảy mầm đến giai đoạn cây ngô 5-6 lá. Chỉ xử lý hạt giống đối với các giống ngô không có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu bằng các thuốc xử lý hạt giống trong danh mục được phép, liều lượng sử dụng và phương pháp xử lý hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi gieo hạt giống ngô đã được xử lý thuốc BVTV phải sử dụng găng tay chống thấm (cao su, nilon) hoặc tra hạt bằng máy để tránh tiếp xúc với thuốc gây ngộ độc. Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng, chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao như: NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S... để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại và chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu. Chuẩn bị bả chua ngọt để diệt trừ sâu trưởng thành ở tất cả vùng trồng ngô. Giai đoạn ngô mới gieo đến 7 lá là giai đoạn xung yếu nhất của cây ngô với sâu keo mùa thu, nếu không phòng trừ tốt, sâu keo mùa thu gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên đồng ruộng và ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ưu tiên nhân thả các loài thiên địch, các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non, loài côn trùng ăn thịt sâu non như: bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm... ra đồng ruộng để phòng, chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có độ ẩm cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm. Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính (pheromone) với số lượng 10-20 bẫy/ha trên ruộng để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả vùng trồng ngô; nên đặt bẫy suốt vụ ngô nhưng thời điểm quan trọng nhất là khi ngô vừa mới gieo đến khi trỗ cờ, phun râu. Biện pháp hóa học, những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV; những vùng, ruộng ngô giống đã được xử lý hạt giống đúng hướng dẫn, không phải phun thuốc BVTV khi sâu non mới nở. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ nếu mật độ sâu non tuổi 2-3 còn cao (mật độ sâu non 3-4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại lớn hơn 20% số cây, triệu trứng hại là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá). Những vùng, ruộng ngô không được xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV cần áp dụng bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone để diệt sâu trưởng thành, ngắt ổ trứng sâu keo mùa thu nhằm làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng. Trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ khi sâu non tuổi 1-2 có mật độ cao (lớn hơn 4 con/m2). Những vùng, ruộng ngô không áp dụng các biện pháp nêu trên phải thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1-2 cao. Sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Indoxacarb, Spinetoram, Bacillus thuringiensis và các hoạt chất khác. Khi phun thuốc phải phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô; sau phun thuốc 7-10 ngày, kiểm tra nếu mật độ sâu sống còn lớn hơn 4 con/m2 phải phun lại và phải theo nguyên tắc “4 đúng”, luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc. 

Giai đoạn ngô 7 lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu, những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV; những vùng, ruộng ngô không sử dụng giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu tiếp tục sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu non. Thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1-2 cao (lớn hơn 4 con/m2), tỷ lệ cây bị hại lớn hơn 20% số cây (tính theo vết hại mới). Giai đoạn này, mật độ sâu thường thấp hơn giai đoạn ngô 3-6 lá và cây ngô đã lớn, có khả năng đền bù thiệt hại do vậy trong trường hợp ruộng ngô bị sâu hại nặng vẫn tiếp tục chăm sóc để cây ngô phục hồi nhanh, cho thu hoạch bình thường. 

Giai đoạn ngô trỗ cờ phun râu, thu hoạch mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm hơn so với 2 giai đoạn trước, do đó nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Trên các cây trồng khác, áp dụng các biện pháp phòng, chống an toàn gồm bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone và sử dụng thiên địch. Nếu sâu xuất hiện với mật độ cao, khả năng gây thiệt hại lớn tới năng suất cây trồng thì tạm thời sử dụng các loại thuốc BVTV hoạt chất Indoxacarb và hoạt chất khác để phun trừ và phải theo nguyên tắc “4 đúng”./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com