Nghề đóng bè, mảng ở Hải Triều

08:02, 24/02/2020

Không chỉ cần cù, chịu khó, người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) còn rất năng động. Từ nghề đi biển, làm muối thuở sơ khai, đến nay, người dân trong xã đã phát triển thêm các nghề nuôi thủy hải sản, đan lưới cước và đóng bè, mảng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngư dân xã Hải Triều đóng bè mảng.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Ngư dân xã Hải Triều đóng bè mảng. 

Bè, mảng là phương tiện khai thác hải sản ven bờ chủ yếu của ngư dân trong các làng chài. Mùa nào thức nấy: sứa, ghẹ, bề bề, tôm, tép moi…, hàng năm giúp ngư dân thu nhập hàng trăm triệu đồng, đảm bảo đời sống ổn định. Nghề đóng bè mảng vì thế mà có nhiều cơ hội việc làm, phát triển. Những chiếc bè mỏng manh, đơn giản nhưng nhờ đóng bằng tre, lại có lớp mút xốp nên khi bị sóng lớn đánh lật cũng không bị chìm như tàu thuyền... Vào thời điểm cuối năm, gió mùa nhiều, biển động, ít tôm cá, ngư dân ít đi biển, lại tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu sửa sang, đóng bè mảng chuẩn bị cho mùa vụ khai thác mới. Qua quá trình làm nghề, ở Hải Triều đã dần chuyên môn hóa, là thay vì “mạnh ai đóng bè người nấy” làng chài chọn những người có kinh nghiệm, kỹ thuật đóng bè tốt lập thành một tổ chuyên đóng bè cho cả xóm. Được cả xóm tin tưởng giao nhiệm vụ nên trong tổ đội đóng bè ai nấy đều phấn khởi, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong từng công đoạn sản xuất; lựa chọn nguyên vật liệu thật kỹ, đạt tiêu chuẩn bền, đẹp. Đối với nguyên liệu, 2 yêu cầu bắt buộc mà thợ đóng bè mảng ở Hải Triều đặc biệt quan tâm; thứ nhất là: chọn những cây bương già, to, dài trên 10m, khai thác từ rừng tự nhiên khu vực các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa để kết bè bởi loại bương già mới chịu được sức ép của sóng to, gió lớn, hạn chế tối đa sự bám dính, làm tổ của các vi sinh vật biển; thứ hai là kỹ thuật ghép bương, vuốt mảng, cân chỉnh tời, chão cho bè cân, “lướt” nhẹ, êm khi xuống nước... Nhờ cầu kỳ như vậy nên bè mảng do ngư dân xã Hải Triều đóng luôn chắc chắn, bền đẹp và “bén cá” hơn hẳn so với bè của nơi khác. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều ngư dân  ở các địa phương lân cận như Hải Lý, Hải Chính, thị trấn Thịnh Long đều tìm đến xã Hải Triều đặt hàng đóng bè giúp. Trung bình mỗi năm, người dân Hải Triều đóng hàng trăm chiếc bè phục vụ ngư dân trong xã và bán cho các xã lân cận. Anh Vũ Văn Trình, xóm Việt Tiến có hơn 20 năm làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển, cũng bằng ấy năm anh tham gia đóng bè mảng cùng các thế hệ cha anh, cho biết: Nghề đóng bè mảng truyền từ đời ông cha để lại. Đến nay, chúng tôi vẫn áp dụng những kỹ thuật đó, chỉ chau chuốt thêm và sử dụng động cơ gắn vào mảng để tiết giảm sức lao động, tạo sự chính xác hơn cho sản phẩm. Trước kia kinh tế khó khăn, người đóng bè ít vốn đầu tư nguyên vật liệu hạn chế, mỗi chiếc bè chỉ gồm 3-5 cây bương, thiết kế đơn giản, chỉ có một cột buồm, đôi mái chèo tay nên bè chỉ đánh bắt ven bờ. Ngày nay, mỗi chiếc bè mảng phải sử dụng 20-30 cây bương; rộng trên 2m, dài trên 7m, lắp động cơ và làm mái che mưa, nắng cho ngư dân khi lao động trên biển. Chọn cây bương thật già, thẳng đều, ít tì vết, rồi dùng dao thật sắc gọt lớp vỏ, hơ trên lửa định hình, uốn cong một đầu để tạo lườn. Sau đó dùng loại cước lớn đường kính từ 2,5 đến 3mm ghép các cây lại với nhau. Muốn bè vững chãi hơn trước sóng cả mênh mông, các ngư dân ghép 3-4 cây bương mỗi bên để làm mạn, ghép thêm một lớp xốp bọt biển nâng tải trọng ở đáy bè và lắp động cơ 24 mã lực, tải trọng của mỗi chiếc bè như vậy tới gần 3 tấn và có thể đạt tốc độ từ 3-4 hải lý/giờ nên có khả năng khai thác cả trong lộng và ngoài khơi suốt 4 mùa trong năm, hiệu quả kinh tế vì thế cũng cao hơn. Chi phí cho mỗi chiếc bè và ngư lưới cụ cũng lên tới 70-80 triệu đồng; hộ nào khó khăn thì liên kết hai, ba hộ góp vốn đóng bè cùng nhau bám biển mưu sinh.

Từ một xã nghèo khó vùng chân sóng có dân số, diện tích tự nhiên nhỏ nhất huyện, đến nay, Hải Triều đã trở thành điểm sáng của huyện Hải Hậu về khai thác, đánh bắt hải sản và phát triển ngành nghề nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, xã đã hoàn thành các tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Khám phá script trong công việcHiểu rõ deadline và tầm quan trọng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com