Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

08:02, 28/02/2020

Năm 2019, nhờ tập trung nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, bám sát dự toán trong quản lý, điều hành chi nên tỉnh đã cơ bản bố trí sử dụng hợp lý, hiệu quả vốn ngân sách Nhà nước. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2019 của tỉnh đạt 3.526,970 tỷ đồng; kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2019 tính đến ngày 31-1-2020 đạt khoảng 99% kế hoạch. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 540,889 tỷ đồng, gồm: 326,220 tỷ đồng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu; 122,920 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chủ yếu bố trí cho dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); 91,749 tỷ đồng vốn nước ngoài. Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 181 tỷ đồng, phân bổ cho 209 xã, 1 dự án và hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 22 hợp tác xã nông nghiệp thuộc các nội dung trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 theo đúng các quy định của tỉnh và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Vốn ngân sách địa phương phần tỉnh quản lý điều hành là 1.945,581 tỷ đồng, đã phân bổ sử dụng vào các mục đích: xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng là 28 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Hải Hậu là huyện NTM kiểu mẫu 40 tỷ đồng; đầu tư trở lại 100% tiền thu từ sử dụng đất tái định cư cho nhân dân làm nhà ở, các khu đô thị để thành phố Nam Định xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng 110 tỷ đồng; bố trí từ tiền thu sử dụng đất các khu đô thị tại thị trấn các huyện, các khu dân cư tập trung trên địa bàn các xã để chi cho các công trình trên địa bàn các huyện và chi đầu tư xây dựng các dự án, công trình do tỉnh quản lý 890 tỷ đồng; bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản khác 50 tỷ đồng; bố trí cho các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực 827,581 tỷ đồng. Vốn bổ sung trong năm là 485 tỷ đồng gồm bổ sung 131 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, bổ sung 354 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Thi công cải tạo, nâng cấp hệ thống đê kè, thủy lợi xã Yên Trị (Ý Yên).
Thi công cải tạo, nâng cấp hệ thống đê kè, thủy lợi xã Yên Trị (Ý Yên).

 Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng theo UBND tỉnh, công tác sử dụng vốn đầu tư công vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tỉnh chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định, trong khi nhu cầu vốn đầu tư còn rất lớn, đặc biệt là các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi; phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư; các công trình đê điều, phòng chống lụt bão... Nguồn vốn ngân sách tỉnh được cân đối bố trí cho các công trình hạn chế, còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ nên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, đặc biệt là đối với các công trình đến nay không còn được cấp vốn Ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, phải chuyển sang bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản hoặc tiếp tục triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh. Một số dự án chậm tiến độ, chủ yếu là do những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; nguồn vốn bố trí cho dự án còn hạn hẹp; nhà thầu chưa tập trung nhân lực, thiết bị để thực hiện thi công công trình. Đặc biệt có một số công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương như Trạm bơm Đế; xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh... chưa hoàn thành đúng tiến độ đề ra đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, nhiều dự án thuộc danh mục ngân sách tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cần ưu tiên bố trí vốn nên đối với các dự án trước đây được phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ nay không còn được hỗ trợ mà chuyển về bố trí bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh thì phải có lộ trình thanh toán nợ xây dựng cơ bản và bố trí vốn để tiếp tục hoàn thành các dự án phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh. Các nguồn vốn đầu tư công năm 2019 của tỉnh cơ bản đều giải ngân tốt, tuy nhiên một số nguồn vốn ngân sách Trung ương kéo dài thanh toán từ năm 2018 sang như vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vốn hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách, khắc phục hậu quả bão, lũ... do quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư kéo dài nên còn giải ngân chậm. Việc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với một số dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương phức tạp, kéo dài, phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm của tỉnh như: Xử lý cấp bách các công trình đê điều của tỉnh bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh.

Năm 2020, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh là 3.956,184 tỷ đồng; trong đó Trung ương giao 3.436,184 tỷ đồng, tỉnh dự kiến tăng 520 tỷ đồng. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải để nâng cao hiệu quả và tích cực huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển; gắn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 với việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt trên địa bàn; đảm bảo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2020-2022). Phương án phân bổ vốn kế hoạch năm 2020 trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình phải ưu tiên bố trí vốn theo thứ tự: Bố trí đủ vốn hoàn ứng theo chỉ tiêu Chính phủ giao; đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng các công trình, dự án ODA theo tiến độ thực hiện và Hiệp định đã ký kết; vốn chuẩn bị đầu tư và lập quy hoạch tỉnh; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm của tỉnh; vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án nhằm khuyến khích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó thanh toán 100% vốn thiếu của các công trình, dự án thuộc danh mục nguồn vốn ngân sách tỉnh có quyết định quyết toán đến ngày 31-12-2018; thanh toán 100% vốn thiếu của các công trình, dự án thuộc danh mục không được bố trí vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ có quyết định quyết toán đến ngày 31-12-2017. Tỷ lệ vốn bố trí cho các công trình, dự án phụ thuộc vào khả năng cân đối của từng nguồn vốn và ưu tiên theo thứ tự: Ưu tiên cho các công trình, dự án đã quyết toán; các công trình, dự án hoàn thành; các công trình, dự án chuyển tiếp; dự kiến khởi công mới các công trình, dự án trong khả năng nguồn vốn cho phép. Mức vốn tối thiểu bố trí cho các công trình, dự án là 300 triệu đồng; riêng các công trình, dự án quyết toán có số vốn còn thiếu dưới 1 tỷ đồng thì thanh toán hết 100%. Đối với các công trình, dự án đang tạm dừng thực hiện, tạm dừng tại điểm dừng kỹ thuật, công trình, dự án hoàn thành nhưng chưa quyết toán có số vốn còn thiếu dưới 1 tỷ đồng tạm thời không bố trí vốn để chờ quyết toán. Tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đồng thời tích cực huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; tiếp tục thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các huyện, thành phố và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế có tiềm lực mạnh đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương./. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com