Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân (HND) tỉnh và Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định đã hiện thực hóa bằng thỏa thuận liên ngành số 01 ngày 23-11-2016. Qua 3 năm triển khai, dư nợ cho vay hộ sản xuất đã tăng trưởng nhanh, ổn định, hiệu quả đồng vốn được phát huy góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.
Nông dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) trao đổi, thực hành kỹ thuật chăm sóc quất cảnh. |
Tại huyện Nghĩa Hưng, với 39.712 hội viên tham gia tổ chức HND, chiếm 92,8% so với hộ nông thôn, ngành nghề chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, kinh doanh dịch vụ…, các cấp HND trong huyện luôn xác định công tác phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển tải vốn cho hội viên sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn huyện hiện có 25/25 cơ sở Hội thực hiện tín chấp cho hội viên vay vốn tại các chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT với 296 tổ vay vốn hoạt động hiệu quả; tạo điều kiện cho 9.275 hộ vay tổng dư nợ 1.755 tỷ đồng. Qua đó đã cơ bản giúp nông dân giải quyết được những khó khăn về nguồn vốn, chủ động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, toàn huyện có trên 13 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,74%... Tại huyện Trực Ninh, đến nay đã có 20/21 tổ chức cơ sở Hội phối hợp thực hiện chính sách tín dụng với Ngân hàng NN và PTNT, thành lập được 380 tổ vay vốn với tổng dư nợ 1.210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 97,5% trên tổng dư nợ trong các đoàn thể. Những xã có dư nợ tín chấp qua tổ chức Hội cao như: Trung Đông 30 tỷ đồng, Việt Hùng 28 tỷ đồng, Trực Cường 22 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến hết tháng 11-2019 đã có 5.148 lượt hộ được vay vốn, tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới. Nhiều hội viên đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mở rộng ngành nghề, phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hướng đến sản xuất hàng hóa… Còn tại huyện Hải Hậu, sự phối hợp chặt chẽ giữa HND huyện và Ngân hàng NN và PTTN chi nhánh huyện những năm qua cũng đã tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng, đầu tư hiệu quả vào sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ đạt 1.492 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp 151 tỷ đồng; chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 0,08%/tổng dư nợ.
Thực tế qua 3 năm triển khai thỏa thuận liên ngành giữa HND tỉnh và Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh, nguồn vốn từ Ngân hàng NN và PTNT đã được chuyển tải đến hội viên nông dân theo đúng quy định về chính sách tín dụng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Tính đến ngày 30-11-2019, toàn tỉnh đã có 115 HND xã ký thỏa thuận liên ngành với chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT, thành lập được 1.781 tổ vay vốn với 35.160 hộ có dư nợ tại ngân hàng, tổng số tiền vay là 7.292 tỷ đồng, tăng 2.501 tỷ đồng so với năm 2016, góp phần cung ứng vốn cho hội viên yên tâm sản xuất. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, an toàn vốn vay. Hoạt động phối hợp giữa HND tỉnh và Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh cũng đã giúp cho ngân hàng có mức dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh, vững chắc, bảo đảm quản lý an toàn nguồn vốn, qua đó tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, cơ sở vật chất kỹ thuật được củng cố và tăng cường. Nhiều làng nghề, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và mở rộng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn. Chương trình phối hợp cũng đã tạo được niềm tin của hội viên nông dân đối với hoạt động của ngành ngân hàng và tổ chức Hội; góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong quá trình tổ chức thực hiện, HND các cấp đã tích cực lồng ghép các hoạt động của Hội, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đưa các chương trình chuyển giao KHKT, hướng dẫn hỗ trợ hội viên phương pháp sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, bao tiêu đầu ra cho sản xuất… Ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khôi phục và phát triển nghề truyền thống ở nông thôn. Tiêu biểu như: nghề nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), xã Hải Phúc (Hải Hậu); nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở các xã Hải Minh (Hải Hậu), Trung Đông (Trực Ninh) hàng năm giải quyết cho hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, toàn tỉnh có 125.450 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng 47.450 hộ so với năm 2016./.
Bài và ảnh: Lam Hồng