Dệt may Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế

08:02, 11/02/2020

Năm 2019, ngành dệt may của tỉnh tăng trưởng 15,1% so với năm 2018, chiếm 49% giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 51,2% tổng số lao động ngành công nghiệp tỉnh và tiếp tục giữ vị thế đứng đầu trong nhóm các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. 

Công ty CP Dệt Bảo Minh (KCN Bảo Minh) đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Công ty CP Dệt Bảo Minh (KCN Bảo Minh) đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Tận dụng sức hút là địa phương có bề dày truyền thống, kinh nghiệm sản xuất, quản lý ngành dệt may và có nguồn nhân lực dệt may dồi dào, có tay nghề cao, tỉnh đã chủ động quy hoạch hợp lý các KCN, CCN, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẵn hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường phục vụ tối ưu nhu cầu sản xuất của ngành dệt may. Đến nay, toàn tỉnh có 2 KCN đang hoạt động gồm Bảo Minh, Hòa Xá thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may quy mô lớn trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 24 CCN cấp huyện được thành lập, trong đó 19 CCN với tổng diện tích 352,5ha đã đi vào hoạt động, cung ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp dệt may đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…, đặc điểm thị trường của các nước tham gia hiệp định. Trong đó chú trọng phân tích, chỉ rõ các rào cản doanh nghiệp tỉnh ta phải đối mặt để có thể tranh thủ được cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đa phương đem lại, đặc biệt là hàng rào phi thuế quan - tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, gồm: yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi để được hưởng ưu đãi của CPTPP; đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, kỹ thuật của các nước tham gia EVFTA. Các ngành chức năng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may chủ động khai thác các cơ hội, thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết cần thực hiện của các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh sự tích cực hỗ trợ của các ngành chức  năng, các doanh nghiệp dệt may cũng thể hiện rõ tinh thần nỗ lực đổi mới, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Đào Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định cho biết, để hội nhập kinh tế quốc tế, Công ty đã chọn hướng liên kết với doanh nghiệp mạnh hơn  để tăng năng lực, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất có uy tín, thị trường xuất khẩu tiềm năng; tập trung đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại và nâng cấp chuyên sâu các dòng sản phẩm vải dệt kim để may veston, comple chất lượng cao để cung cấp vào thị trường Nhật Bản. Ngoài xuất khẩu, trong những năm gần đây Công ty đã tận dụng tối đa uy tín đã có tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước bằng dòng sản phẩm đồng phục thời trang công sở thiết kế theo yêu cầu riêng của từng cơ quan, đơn vị. Theo đại diện Công ty TNHH Youngone Nam Định, dưới sự chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh, trong những năm gần đây bên cạnh việc chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, Công ty đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty sản xuất ra luôn đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, kỹ thuật và không ngừng giúp Công ty chiếm lĩnh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2012, khi mới đi vào hoạt động, Công ty chỉ nhận được một số đơn hàng của thị trường Mỹ, đến giai đoạn 2015-2016, Công ty đã chiếm lĩnh thêm thị trường tiêu thụ tại các nước Anh, Pháp, Đức. Riêng năm 2019, Công ty tiếp tục giành được đơn hàng lớn của các đối tác ở thị trường Mỹ với sản lượng tiêu thụ chiếm 20% tổng sản lượng hàng hóa sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước, hiện nay UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông, các CCN theo quy hoạch, chủ động chuẩn bị mặt bằng cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may phát triển sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành dệt may. Sở Công Thương tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi khép kín để đáp ứng quy tắc xuất xứ và chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu xơ sợi và tăng cường phát triển các công đoạn sản xuất như nhuộm, sản xuất các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may; đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm theo hướng giảm sản lượng sản phẩm gia công; gia tăng nhóm sản phẩm sợi, vải, phụ kiện. Phát triển xuất khẩu đồng thời với chú trọng chiếm lĩnh thị trường nội địa, nhất là phân khúc khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu bởi nhóm này được dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng và chiếm 50% dân số đến năm 2030./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com