Năm 2019 Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cơ bản hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến rõ nét trên từng lĩnh vực công tác chuyên môn. Trong đó, đã đẩy mạnh quản lý, xử lý vi phạm về đất đai; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Các hộ dân thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) tích cực kiến tạo cảnh quan nhà vườn theo mô hình "Xanh - sạch - đẹp" góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. |
Trong năm qua, Sở TN và MT đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết, xử lý các vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến tỉnh lộ 488B thuộc địa phận huyện Trực Ninh, các dự án khu đô thị trung tâm huyện, các dự án khu dân cư tập trung, dự án đầu tư xây dựng CCN Yên Bằng, CCN Thanh - Côi... Hỗ trợ các địa phương gỡ vướng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế; giải quyết kịp thời các thủ tục giao đất, cho thuê đất đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Sở TN và MT tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đất đai theo Nghị quyết 17 và Kết luận 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Trong năm 2019, Sở đã thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai theo kế hoạch tại 11 đơn vị; thanh tra, kiểm tra đột xuất 18 cuộc. Trong đó, 13 cuộc kiểm tra việc sử dụng đất của 13 đơn vị theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 2 cuộc kiểm tra việc sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, 1 cuộc phối hợp UBND huyện Xuân Trường kiểm tra, bàn giao đất tại thực địa đối với 6.205m2 đất thuộc Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, 2 cuộc do Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đáng chú ý 2 cuộc kiểm tra liên ngành đều tập trung xử lý các trường hợp vướng mắc lớn trong sử dụng đất đai đã tồn đọng trong nhiều năm liền của tỉnh, gồm: Kiểm tra 30 dự án thuê đất nhưng không triển khai thực hiện hoặc ngừng hoạt động hoặc còn nợ tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 1365/QĐ-UBND ngày 28-6-2019 của UBND tỉnh; kiểm tra toàn diện 2 dự án (dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí Bắc Hà tại thị trấn Quất Lâm và dự án nuôi tôm công nghiệp của Công ty CP Đầu tư và phát triển Đại Dương tại xã Bạch Long theo Quyết định số 1813/QĐ-UBND ngày 29-8-2014 của UBND tỉnh... Qua kết quả thanh tra, kiểm tra Sở đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm nằm trong thẩm quyền và khẩn trương báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kịp thời ban hành các phương án xử lý, thu hồi đất đúng quy định, tạo nguồn chuyển đổi mục đích sử dụng hiệu quả tài nguyên đất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong công tác bảo vệ môi trường, Sở đã hướng dẫn các địa phương chú trọng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải; vận hành đúng hướng dẫn tại các khu xử lý rác sinh hoạt; kiểm soát việc vứt rác bừa bãi ra đường giao thông, kênh mương; định kỳ huy động toàn dân ra quân tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống; tăng cường trồng cây xanh; duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 29-3-2019 của UBND tỉnh về thực hiện tiêu chí cảnh quan môi trường. Nhờ đó, cảnh quan nông thôn trên toàn tỉnh không ngừng được cải tạo. Việc cải thiện cảnh quan, chất lượng môi trường sống còn mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch sinh thái, đem lại thu nhập cho người dân tại một số địa phương trong tỉnh như Thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), xã Nghĩa An (Nam Trực), xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... Công tác BVMT tại các doanh nghiệp, khu, CCN, làng nghề cũng được siết chặt hơn; từng bước khởi động triển khai hiệu quả các dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm như làng nghề Bình Yên (Nam Trực), các bãi chôn lấp và các công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Đã tham mưu cho UBND tỉnh xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; triển khai kế hoạch hành động về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông.
Năm 2020, Sở TN và MT tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất để UBND tỉnh đưa ra các tiêu chí lựa chọn các dự án công nghệ thân thiện với môi trường, loại bỏ các dự án về ô nhiễm, đưa công tác BVMT sang giai đoạn mới, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên. Tiếp tục đôn đốc các địa phương duy trì chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, công trình BVMT của các dự án; kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu, CCN, làng nghề, cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tập trung thực hiện các đề án, dự án, quy hoạch BVMT đã được phê duyệt gồm Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh”... Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu TN và MT. Tiếp tục thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm đất đai. Tổ chức thực hiện đề án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố năm 2020 trong quý I và tổ chức thực hiện. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định các nhu cầu sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2030 phục vụ cho lập quy hoạch tỉnh; xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thực hiện và giám sát các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường rà soát, xử lý và công bố công khai các dự án, nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng để lãng phí đất đai. Đặc biệt, tham mưu xử lý các tồn tại về đất đai, trong đó có 43 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, 30 dự án thuê đất nhưng không triển khai thực hiện dự án hoặc ngừng hoạt động, còn nợ tiền thuê đất... Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính, tiếp tục cải thiện chỉ số đất đai, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy