Thúc đẩy kinh tế biển thành ngành mũi nhọn

07:01, 13/01/2020

Nam Định là một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước với 72km bờ biển, có 22 xã, thị trấn ven biển của 3 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định vùng kinh tế ven biển là một trong ba mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế với vai trò là động lực, tạo sức bật và sự ổn định cho địa phương. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế biển thành ngành mũi nhọn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho cư dân vùng ven biển; kết hợp chặt chẽ phát triển vùng biển, ven biển để thúc đẩy phát triển nhanh các vùng nội địa.

Ngư dân Giao Thủy được mùa hải sản đánh bắt xa bờ. Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Ngư dân Giao Thủy được mùa hải sản đánh bắt xa bờ. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Bám sát chỉ đạo của tỉnh, trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới các ngành, các địa phương có biển đã tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực có lợi thế như: khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển; chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp tàu thủy và du lịch biển. Trong nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển sản xuất con giống thủy sản; đa dạng đối tượng và tận dụng mọi diện tích mặt nước trên địa bàn, kết hợp với việc chuyển đổi các diện tích làm muối kém hiệu quả, trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; quy hoạch khoanh vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh, chuyển đổi hình thức, phương thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh công nghiệp. Hiện, toàn tỉnh đã phát triển được 137 cơ sở sản xuất giống thủy hải sản với đa dạng các loại con giống là: tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp, cá song, cá hồng mỹ, không chỉ đáp ứng nhu cầu về giống để nuôi thả trên địa bàn mà còn cung ứng cho các địa phương ngoại tỉnh. Toàn tỉnh đã hình thành 70 vùng nuôi thủy sản tập trung theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao… Trên lĩnh vực khai thác hải sản, các địa phương có biển đã huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển năng lực đội tàu công suất lớn khai thác tại các vùng biển xa bờ, viễn dương trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế, đổi mới tổ chức sản xuất, thành lập các hợp tác xã, tổ đội sản xuất trên biển. Đến nay đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh đã vượt nhiều tỉnh ven biển phía Bắc, nhiều tàu cá có khả năng vươn khơi xa đánh bắt tại các ngư trường rộng khắp từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu với 2.136 tàu, thuyền và có 34 tàu cá vỏ thép (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) công suất từ 800CV trở lên. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng được tiến hành hợp lý giúp các phương tiện phát huy năng lực sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều chủ phương tiện chỉ sau một thời gian đánh bắt hải sản đã hoàn được vốn vay và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn. Hoạt động sơ chế và chế biến thủy sản đã có những bước phát triển theo chiều sâu với 153 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp. Một số sản phẩm thủy sản của tỉnh đã định vị được thương hiệu trên thị trường như cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định, ngao sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lenger Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu... Trong khai thác kinh tế du lịch biển, các địa phương đã chú trọng phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng để phát triển hợp lý du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy; hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường kết nối, hình thành các tour du lịch biển, nghỉ dưỡng dài ngày kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu thể thao, du lịch hội nghị, du lịch hội thảo góp phần thu hút du khách sử dụng dịch vụ của các khu tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, nhà thờ đổ xã Hải Lý.

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển không chỉ giúp giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập trực tiếp cho người dân vùng ven biển mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển, ven biển của tỉnh theo hướng thúc đẩy phát triển các vùng nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập và bổ sung quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha trên địa bàn hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 với kỳ vọng trở thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng nam đồng bằng sông Hồng; được tập trung xây dựng theo các tiêu chí về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế với các khu công nghiệp thành phần, gồm: Thịnh Long (Hải Hậu), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Tỉnh đã bổ sung quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 500ha ở khu vực ven biển và đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp. Cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang đã được Trung ương đầu tư, đưa vào khai thác là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng, phát triển tuyến vận tải pha sông biển của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Các công trình giao thông kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các khu vực khác trong vùng ven biển và Bắc Bộ đã và đang được đầu tư xây dựng, gồm: Cầu Thịnh Long, cảng nước sâu Hải Thịnh nằm gần cửa biển Lạch Giang, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I; tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Thời gian tới, các ngành, các địa phương tập trung bám sát Kế hoạch số 561/KH-UBND ngày 12-4-2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển thành vùng kinh tế động lực, phát triển bền vững, tạo thế ổn định cho kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là hoàn thiện các điều kiện đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. Trước mắt, tỉnh tập trung lập Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; hoàn tất các thủ tục, sớm đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định tại huyện Hải Hậu; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến quốc lộ ven biển đoạn qua tỉnh. Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển của tỉnh đảm bảo khả năng chống chịu được bão cấp 12 trong điều kiện triều cường; tăng cường các biện pháp chống biển xâm thực, xói lở bờ biển; phát triển nuôi trồng thủy sản, nông, lâm nghiệp, tăng cường thu hút nhà đầu tư tiềm năng xây dựng, phát triển đồng bộ Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, từng bước hình thành khu đô thị thương mại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động để tạo nền tảng thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. Để phát triển kinh tế hàng hải, ngoài nguồn vốn ngân sách, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển đồng bộ hệ thống bến cảng, luồng tàu đảm bảo năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com