Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản

08:01, 06/01/2020

Thời gian qua việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm thuỷ sản và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Trong đó các khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển, sử dụng đảm bảo sạch sẽ, an toàn. 

Sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống tại làng nghề Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống tại làng nghề Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Đối với sản xuất giống thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tiến hành thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất giống mặn lợ, hơn 20 cơ sở sản xuất giống nước ngọt. Hoạt động sản xuất giống tại chỗ và nhập giống thủy sản được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, toàn bộ nguồn giống nhập phải được đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông giống nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống thủy sản trong tỉnh. Trong quá trình nuôi thương phẩm, Chi cục Thủy sản kết hợp chặt chẽ cùng các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thanh tra Sở thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản, giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh các vùng nuôi thủy sản trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các hộ nuôi về sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng quy định; hướng dẫn kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn, nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, đảm bảo các cơ sở phải có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua các đợt kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cần thiết sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kinh doanh các loại vật tư dùng trong nuôi thủy sản. Đối với một số cơ sở xếp loại C, các cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục lỗi tùy theo chỉ tiêu vi phạm và báo cáo kết quả khắc phục cho đoàn kiểm tra để tiến hành hậu kiểm. Với các cơ sở chế biến thủy, hải sản khô, thủy sản ăn liền, nước mắm, mắm tôm… tập trung tại các địa phương trọng điểm về khai thác và nuôi trồng thủy sản như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chế biến về Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề, quy hoạch lại không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về chế biến thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước, rác thải sau chế biến gây ảnh hưởng đến môi trường. Các cơ sở chế biến  thủy sản mới xây dựng, trước khi đưa vào hoạt động, sản xuất 15 ngày phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đơn vị tiêu biểu trong việc cung ứng cho người dùng những sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Công ty đã mạnh dạn đầu tư, cải thiện trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm nước mắm Ninh Cơ. 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản tại các chợ đầu mối, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị sản xuất không an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua của đại lý, thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép. Yêu cầu và giám sát chủ các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, đảm bảo phải có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy phép sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất thiết bị chứa đựng bảo quản, nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn có chất lượng, góp phần đưa kinh tế biển phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com