Thành quả của hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đang tạo ra thế và lực mới cho lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây cũng là xu hướng phát triển phù hợp với tình hình hiện nay khi ngành khai thác thủy sản đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những “rào cản” của thị trường tiêu thụ quốc tế.
Phát triển nuôi thủy sản góp phần mang lại thu nhập cho người dân xã Xuân Châu (Xuân Trường). |
Để khai thác hiệu quả các tài nguyên tiềm năng nhằm phát triển kinh tế, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Bạch Long (Giao Thủy) đang tích cực chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình chuyển đổi, ông Phạm Văn Cương ở đội 3, xã Bạch Long (Giao Thủy) đã thuê 2,5ha của Công ty để “phá cói nuôi cá”. Từ năm 2015, trên diện tích đất thuê, ông quy hoạch thành 7 ao nuôi, đắp bờ kiên cố, bố trí hệ thống lấy nước hợp lý để nuôi các loại cá diêu hồng, trắm, chép xen canh với tôm thẻ chân trắng nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn và ngăn ngừa các loại dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm ông Cương thu hoạch được 40-50 tấn cá, tôm, trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng... Không riêng ông Cương mà hàng trăm hộ dân ở xã Bạch Long đã tích cực áp dụng mô hình chuyển đổi diện tích trồng cói, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương. Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Bạch Long, đến cuối năm 2019, hầu hết diện tích 200ha đất canh tác của Nông trường Bạch Long cũ đã được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, với hơn 200 hộ tham gia. Doanh thu bình quân mỗi ha đất canh tác đạt khoảng 500 triệu đồng, hiệu suất lãi 35-40%, cao hơn gấp nhiều lần trồng cói, cấy lúa trước đây. Làm ăn có lãi nên các hộ tham gia mô hình chuyển đổi rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, định hướng phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh và ngành Nông nghiệp, quyết tâm và mạnh dạn đầu tư xây dựng phương thức sản xuất mới.
Thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản, hiện toàn tỉnh đã hình thành được trên 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, phương thức nuôi chuyển từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng theo quy trình VietGAP, nuôi công nghệ cao. Nuôi thủy sản phát triển sôi động trên cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt. Đối tượng con nuôi phát triển khá đa dạng và đang từng bước hình thành sản phẩm thủy đặc sản của địa phương, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ như: Ngao Giao Thủy, cá bống bớp Nghĩa Hưng, tôm thẻ chân trắng Hải Hậu... Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 5.000ha, sản lượng tăng 2,27 lần. Lĩnh vực nuôi thủy sản đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Hết năm 2019, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 16.215ha, sản lượng đạt 107.800 tấn, vượt chỉ tiêu Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đề ra đến năm 2020, đồng thời bảo đảm đúng định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Để có được những kết quả trên, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kinh phí để các địa phương khảo sát, lập và hoàn thành các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có quy hoạch phát triển thủy sản. Việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung được tỉnh, các huyện quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp... được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn để hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, những năm qua tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Các vùng nuôi ngao thương phẩm của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nguyên liệu cho nhà máy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ ngao vào thị trường EU. Năm 2019, sản lượng ngao thương phẩm đạt trên 40 nghìn tấn. Trên cơ sở khảo nghiệm, sản xuất thử đã hình thành và phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha, nhiều mô hình đạt 20 tấn/ha. Giá trị sản xuất trên 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt từ 700-800 triệu đồng; các mô hình nuôi công nghệ cao đạt trên 3 tỷ đồng/ha. Mặt khác, toàn tỉnh có 137 cơ sở sản xuất giống thủy sản, hàng năm sản xuất được gần 12 tỷ con giống các loại, trong đó giống hải sản 10,6 tỷ con, đáp ứng 65-70% nhu cầu con giống của tỉnh. Các đối tượng chủ yếu được sản xuất là: tôm sú, cua biển, cá bống bớp, ngao, hầu. Hiện nay, Nam Định đang là tỉnh dẫn đầu về sản xuất, kinh doanh giống ngao trong khu vực cả về quy mô, công nghệ và năng lực sản xuất. Một số cơ sở đã tiến hành thử nghiệm cho sinh sản thêm một số đối tượng mới như sò huyết, ốc hương, tôm càng xanh… tạo hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản, giống nước ngọt.
Sự phát triển khá đồng bộ từ quy hoạch vùng nuôi, lựa chọn con nuôi phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện canh tác đến sự chủ động áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và từng bước chủ động nguồn giống chính là cơ sở tạo sức bật mới trong nuôi thủy sản của tỉnh trong điều kiện hiện nay./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên