Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã từng bước khắc phục những tồn tại, tạo ra những bước bứt phá, phát triển tích cực.
Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt mốc kỷ lục mới với 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với năm 2018. Toàn ngành xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. Kết quả trên cho thấy nông sản Việt ngày càng làm tốt hơn việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, chuỗi giá trị nông sản từng bước được kéo dài.
Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã từng bước khắc phục những tồn tại, tạo ra những bước bứt phá, phát triển tích cực. Ngành Nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thị trường thuận lợi.
Thu hoạch thanh long chính vụ. Ảnh: TTXVN |
Lâm nghiệp, thủy sản, rau quả... là những lĩnh vực đã triển khai cơ cấu lại mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn. Ngoài ra, sự bứt phá của lĩnh vực này còn do yếu tố “kéo” là thị trường, với việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do giúp không chỉ phát triển mà còn có sự điều chỉnh sản xuất để phù hợp với thị trường.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn cho rằng, thành công đó là nhờ việc sớm nhận ra xu thế về nhu cầu của thị trường thế giới, các lĩnh vực thủy sản, trái cây… sẽ mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu, nâng cao giá trị…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương; trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành Nông nghiệp. Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi ổn định.
Trung Quốc - thị trường truyền thống trước đây được xem là thị trường vừa lớn vừa dễ tính thì nay cũng đã đưa ra nhiều chính sách thay đổi trong nhập khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng như: trái cây, thủy sản, nông sản khác; đồng thời phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này. Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam. Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Trước sự thay đổi cũng như yêu cầu của thị trường, khâu sản xuất cũng nhanh chóng chuyển đổi đáp ứng những yếu tố mới. Điển hình như việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ. Theo đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, Global GAP... được phổ biến nhân rộng. Năm 2019, diện tích lúa được chứng nhận VietGAP đạt trên 39 nghìn ha.
Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới gần 2.800 doanh nghiệp, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên gần 12.600 doanh nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần Nafoods Group, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH, Tập đoàn Dabaco, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan…
Với sự tham gia của doanh nghiệp như vậy, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực, đặc biệt một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, việc các nhà máy ra đời đã đánh dấu một diện mạo mới của ngành Nông nghiệp. Các nhà máy lớn đạt tiêu chuẩn thế giới đã bước đầu chạm vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần coi thế giới là thị trường, là động lực phát triển. Việt Nam phải tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, từ đây tạo tiền đề để nông dân và các nhà cùng liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành vùng sản xuất tốt, chế biến tốt, tổ chức thương mại tốt.
Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành Nông nghiệp phải đưa “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu.
Trước yêu cầu đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ thực hiện điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc. Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng, miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Đặc biệt, sự lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Để có được điều đó, các chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ được xây dựng theo hướng có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản./.
Bích Hồng (TTXVN)