Trước thềm năm mới 2020, người nghèo và các đối tượng chính sách liên tiếp đón nhận tin vui mới bởi 2 chương trình tín dụng về cho vay giải quyết việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên được “tiếp lực” nâng cao mức vay với nhiều ưu đãi mới.
Từ nguồn vốn ưu đãi 80 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh, anh Nguyễn Trung Hậu, tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Cổ Lễ đã đầu tư máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn dành cho chương trình này đạt 116,5 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt 68,8 tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các cấp dành cho chương trình đạt 25,2 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay là 22 tỷ đồng. Tuy vậy, nhu cầu về vay vốn giải quyết việc làm, tạo và tự tạo việc làm của người nghèo và các đối tượng chính sách còn rất lớn và liên tục gia tăng qua từng năm; trong khi đó, nguồn vốn từ Quỹ giải quyết việc làm quốc gia phân bổ về địa phương còn hạn hẹp, ngân sách đối ứng của địa phương còn thấp. Số khách hàng được thụ hưởng vốn tín dụng ưu đãi không nhiều, số khách hàng được vay vốn thì mức đầu tư cũng không lớn (bình quân 25-30 triệu đồng/hộ) nên hạn chế hiệu quả đầu tư. Thực tế đặt ra yêu cầu cần phải điều chỉnh mức vay đảm bảo hỗ trợ tốt hơn đối với các đối tượng có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Do đó, ngày 23-9-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8-11-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Nghị định nêu rõ, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng (mức vay cũ là 50 triệu đồng/người). Thời hạn vay vốn tối đa cũng được tăng từ 60 tháng lên 120 tháng. Việc thực hiện bảo đảm tiền vay chỉ áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức vay từ trên 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Trung Hậu, tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), chủ xưởng mộc mỹ nghệ cho biết: Đầu tháng 11-2019, được sự hỗ trợ của cán bộ tín dụng thị trấn, tôi được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Nhờ vậy cơ sở có vốn để đảm bảo sản xuất dịp giáp Tết theo đơn hàng. Hiện tại, gia đình đang gấp rút hoàn thiện 5 đơn hàng trị giá 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ giúp người dân có thêm vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người nghèo và đối tượng chính sách; chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên cũng được Chính phủ quan tâm nâng hạn mức vay nhằm đảm bảo hỗ trợ tối đa các gia đình khó khăn duy trì việc học tập của con cái. Qua 13 năm thực hiện, chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã giúp hàng triệu học sinh sinh viên thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí trong suốt quá trình học tập. Dù mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt”, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh mức vay, chương trình đã thật sự là động lực cho hàng triệu học sinh, sinh viên hoàn thành ước mơ trên con đường học tập. Theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-12-2019, điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với mức cũ. Điều này cho thấy Nhà nước đặc biệt quan tâm đảm bảo các điều kiện học tập cho việc học của con em các gia đình chính sách, gia đình khó khăn. Mức cho vay tín dụng này phù hợp với mức học phí hiện tại của nhiều trường và giúp sinh viên an tâm về học phí. Mừng hơn nữa là mức lãi suất vẫn giữ ổn định 0,5%/tháng, cũng như thời hạn trả lãi và nợ gốc không quá 12 tháng, sau khi người học ra trường. Chị Vũ Thị Tươi, xóm 4 xã Trực Thắng (Trực Ninh) cho biết: “Được cán bộ tín dụng của xã thông báo về mức vay mới, chúng tôi rất mừng bởi có thêm kinh phí để trang trải chi phí học hành cho con trai đang là sinh viên trên Hà Nội. Hiện tại, gia đình đã hoàn thành hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chờ giải ngân”. Được biết, em Vũ Văn Dân hiện là sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngoài số tiền ít ỏi gia đình cung cấp hàng tháng, em đều phải tranh thủ làm thêm để có chi phí trang trải sinh hoạt bởi học phí hàng tháng tại trường đã khá cao, hơn 1,5 triệu đồng/tháng.
Chủ trương nâng hạn mức và thời gian cho vay vốn tín dụng chính sách của chương trình cho vay giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên được đánh giá là hợp lòng dân và thiết thực, kịp thời thể hiện sự nhân văn, quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với người nghèo và đối tượng chính sách./.
Bài và ảnh: Đức Toàn