Nhân rộng mô hình trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao ở Mỹ Tiến

07:01, 17/01/2020

Những năm qua, công nghệ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã góp phần giải quyết một số bất cập về sự bất lợi về thời tiết. Tiêu biểu là mô hình trồng hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà lưới của ông Khổng Quang Quân, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao của ông Khổng Quang Quân, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao của ông Khổng Quang Quân, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến.

Năm 2016, trên 5.000m2 chuyển đổi từ đất 2 lúa, ông Khổng Quang Quân, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã cải tạo thành trang trại trồng hoa, cây cảnh hoàn toàn trong chậu. Một phần diện tích được ông Quân đầu tư nhà lưới cơ động để sử dụng khi thời tiết bất thuận và phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Sau năm đầu thành công, ông Quân đã mở rộng quy mô trồng và đầu tư thêm nhà màng kiên cố để phục vụ trồng hoa, cây cảnh. Hiện trang trại trồng hoa, cây cảnh của ông Quân có 700m2 nhà màng, 1.500m2 nhà lưới, diện tích còn lại được trồng ngoài trời ứng với 3 giai đoạn trồng hoa, cây cảnh. Ông Quân cho biết: Ở giai đoạn gieo ươm, cây rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thuận nên được chăm sóc trong nhà màng để tránh mưa rào, nắng nóng, có thể điều khiển được độ ẩm và ánh sáng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Ở giai đoạn phát triển thân và lá cây được chuyển sang nhà lưới để giảm bớt lượng thoát hơi nước và cường độ ánh sáng mạnh trực tiếp giúp cây dần thích nghi với điều kiện ở ngoài trời. Đến giai đoạn cây trưởng thành, chuẩn bị ra hoa được chuyển ra ngoài trời và sau 1 tháng chăm sóc cho cây thuần thục với điều kiện thời tiết tự nhiên sẽ được xuất đến tay người tiêu dùng để cây chơi được bền, hoa được lâu hơn. Đến nay, trang trại của ông Quân được mở rộng lên 20 nghìn chậu hoa, cây cảnh với 3 nhóm cây chính. Nhóm cây nội thất ông trồng các cây: đại đế vương, ngũ gia bì, vạn niên thanh, lưỡi hổ vàng, trúc nhật; nhóm cây ngoại thất chủ yếu là các loại cây hoa trang trí ở ban công, sân vườn như: yến thảo, ngọc thảo, thược dược, hoa hồng; nhóm cây công trình là các loại cây: lá màu, hoa ngũ sắc, dâm bụt, hoa giấy… Việc trồng toàn bộ trong chậu giúp ông Quân kiểm soát được độ ẩm trong đất, dinh dưỡng và dễ dàng điều chỉnh mật độ cây trồng trong mỗi m2 để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài ra, trồng cây trong chậu còn giúp kiểm soát dịch bệnh, phát hiện cây nào có triệu chứng bệnh có thể dễ dàng đưa ra ngoài xử lý tiêu hủy, không làm lây lan sang các cây khác. Vườn hoa, cây cảnh của ông Quân được tưới bằng các béc phun mưa bố trí theo sơ đồ dích dắc với khoảng cách đều nhau là 3m đảm bảo tưới bao phủ toàn bộ cây trồng, vừa cung cấp nước đầy đủ cho cây phát triển đồng đều vừa giảm bớt công lao động. Với việc áp dụng công nghệ cao, chủ động toàn bộ các khâu sản xuất từ cây giống đến cây thành phẩm và bố trí công thức trồng gối lứa liên tục nên lúc nào trang trại của ông Quân cũng có cây xuất bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình. Mỗi năm, trang trại trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao của ông Quân cho doanh thu bình quân 800 triệu đồng, lãi 300-400 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của ông còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng và 6 lao động thời vụ với tiền công 150 nghìn đồng/ngày.

Theo một số chuyên gia, hiện nay tại một số địa phương trong cả nước, điển hình là tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nông dân sử dụng nhà kính tràn lan, mật độ lớn và không đúng tiêu chuẩn công nghệ cao, chủ yếu sử dụng những lớp màng nilon có công dụng che mưa, chắn côn trùng tạo thành 1 không gian kín, nóng gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường, khí hậu. Do vậy khi chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất nông dân cần có đầy đủ thông tin, kiến thức để lựa chọn hình thức canh tác phù hợp với đối tượng cây trồng, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu và mục đích của hoạt động sản xuất, khả năng đầu tư của mình. Mô hình trồng hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà lưới và sản xuất ngoài trời theo 3 giai đoạn của ông Quân đã khắc phục được một số nhược điểm của nhà kính là diện tích nhà màng không quá lớn, cây trồng dần được thích nghi với điền kiện ngoài trời, không chỉ phụ thuộc hoàn toàn khí hậu chủ động như trồng trong nhà kính nên cây có sức chống chịu cao hơn khi đến tay người chơi. Ngoài ra, ông Quân chỉ sử dụng lưới dày che bên trên tránh sương muối, mưa rào và nắng nóng gắt, xung quanh để thông thoáng nên không gây gia tăng nhiệt độ như trong nhà kính và hạn chế những tác động tiêu cực do sản xuất gây ra với môi trường, khí hậu. Ông Quân cho biết, thời gian tới ông tiếp tục phát triển trang trại trồng hoa, cây cảnh theo hướng kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các trường học mở các tour du lịch trải nghiệm ngắn cho học sinh, du khách đến nghiên cứu, tham quan các quy trình, kỹ thuật chăm sóc hoa. Đây là mô hình phù hợp với phương châm “phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thân thiện môi trường và kết hợp với du lịch” mà ngành Nông nghiệp đang hướng tới, cần được nghiên cứu và nhân rộng ra các địa phương khác nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com