Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự tích cực hỗ trợ của các sở, ngành, các địa phương, thời gian qua các doanh nghiệp có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Người dân mua sản phẩm gạo sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân. |
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định cho biết: Trong điều kiện thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn về sản phẩm chất lượng, an toàn thì liên kết thực sự tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người dân thiết lập chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật. Tham gia các chuỗi liên kết nông sản của tỉnh các bên đối tác được hưởng lợi, trực tiếp là các hộ nông dân đã được các ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn đưa vào gieo trồng các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao nên đã nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập, ngày công lao động. Các doanh nghiệp trong chuỗi luôn chủ động được nguồn, đảm bảo kịp thời vụ và đủ số lượng sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng tối đa nhu cầu thị trường. Bên cạnh mô hình liên kết dọc giữa doanh nghiệp và người sản xuất, do chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ nông sản đã xác định nếu không đi cùng nhau thì sẽ không đi được xa vì vậy đã chủ động liên kết ngang, đề xuất UBND tỉnh cho thành lập Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định với nòng cốt là các doanh nghiệp có thương hiệu, có chuỗi sản xuất an toàn khép kín, đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, có truy suất nguồn gốc rõ ràng. UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ Hiệp hội xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, thiết lập địa điểm tin cậy để các doanh nghiệp đưa sản phẩm của đơn vị mình tới tay người tiêu dùng theo quy mô tập thể giới thiệu, cung ứng. Đến nay, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đã phát triển được 1 trung tâm và 2 cơ sở giới thiệu sản phẩm; quy tụ được 37 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất chế biến nông sản uy tín tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của các địa phương trong tỉnh tham gia phân phối hơn 200 sản phẩm nông sản. Các doanh nghiệp, đơn vị tham gia trong Hiệp hội đều đã ổn định sản xuất, đảm bảo các sản phẩm thường xuyên được kiểm soát chất lượng an toàn bởi ngành chức năng; không còn phải loay hoay với câu hỏi làm thế nào để đưa sản phẩm ra thị trường trong điều kiện cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn. Hiệu quả liên kết chuỗi đã tạo đà cho Hiệp hội dự kiến sẽ mở văn phòng tại Thành phố Hà Nội và phát triển chuỗi cửa hàng tiêu thu nông sản ở các huyện trên toàn tỉnh, đưa sản phẩm trực tiếp từ nơi sản xuất ra thị trường.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng các chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn bộc lộ một số “nút thắt”, tồn tại. Cụ thể, toàn tỉnh hiện mới có 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đây là con số quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh trọng điểm nông nghiệp phía Bắc. Bên cạnh đó, cơ giới hoá, tự động hóa khâu gieo trồng nông sản của nông dân còn hạn chế khiến năng suất thấp, giá thành sản xuất và tổn thất sau thu hoạch cao. Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chưa đạt quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều nguyên liệu; trình độ công nghệ chế biến nông sản chưa cao, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chưa phong phú nên việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản còn hạn chế. Ngoài ra, hạn chế nhất trong chuỗi là khâu tiêu thụ sản phẩm; do mới khởi sắc nên các doanh nghiệp cung ứng, phân phối nông sản chưa phủ rộng được thị trường nội địa toàn quốc và hạn chế trong xuất khẩu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thị Tố Nga: Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền nông nghiệp. Trong đó, sẽ chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn để tập trung hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Đặc biệt, sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân. Ngay trong những tháng đầu năm 2020, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ; từ đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững hơn cho bà con nông dân. Dự kiến, trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ phát triển thêm 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy