Thời gian qua tỉnh đã chủ động lập và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý CCN. Xuất phát từ yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã căn cứ vào Quy hoạch phát triển các CCN, quyết định chủ trương đầu tư mở rộng CCN Đồng Côi (Nam Trực) và CCN Xuân Tiến (Xuân Trường); thành lập và triển khai xây dựng các CCN Yên Dương, Yên Bằng (Ý Yên), Thịnh Lâm (Giao Thủy), Thanh Côi (Vụ Bản), và CCN làng nghề Hải Vân (Hải Hậu) với tổng diện tích là 216,66ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 2.062,2 tỷ đồng. Theo đó, tổng số CCN trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đến năm 2025 là 57 cụm với tổng diện tích là 1.623,77ha. Việc đầu tư xây dựng các CCN thời gian qua được đánh giá đã thực hiện theo quy hoạch, góp phần tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 CCN được thành lập với tổng diện tích 534,96ha; trong đó 19 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 352,5ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 175,98ha, lấp đầy 85% tổng diện tích đất công nghiệp đã thu hồi có thể cho thuê. Tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh là 485 đơn vị, tổng số vốn đăng ký là 3.155,5 tỷ đồng, đã thực hiện 2.879,07 tỷ đồng đạt 91%.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến, CCN Yên Trị (Ý Yên). |
Tuy nhiên việc lập, triển khai, quản lý, khai thác các CCN trên địa bàn tỉnh ta còn một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch các CCN đã phê duyệt chưa đảm bảo yếu tố liên kết vùng, ngành; tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng trong quy hoạch còn hạn chế. Do vậy, công tác triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã duyệt. Công tác bảo vệ môi trường tại các CCN còn nhiều tồn tại. Trong 19 CCN đang hoạt động chỉ có 3 cụm có hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt chỉ có 2 công trình hoạt động; các CCN còn lại đều chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Công tác quản lý các CCN trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhiều CCN còn vi phạm quy hoạch xây dựng, đất đai, chậm đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Điều đáng quan tâm là một số CCN được đầu tư xây dựng từ trước năm 2010 vi phạm quy hoạch đất đai, xây dựng nên hiện đã trở thành làng nghề, khu dân cư. Hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông chính ở một số CCN còn chưa được thuận lợi. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu hút đầu tư. Các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, chủ yếu là các dự án đầu tư công nghệ thông thường, thu hút lao động tay nghề thấp, mức đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương chủ động rà soát, xác định nguyên nhân của các bất cập tồn tại, từ đó đưa ra phương án nâng cao chất lượng đầu tư, khai thác các CCN. Theo đó: Các CCN được xây dựng, hình thành trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý CCN phần lớn được quy hoạch với quy mô nhỏ để di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực các làng nghề ra nhằm giải quyết việc sản xuất trong khu dân cư không đảm bảo môi trường và sức khỏe người dân. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng CCN trong giai đoạn trước đây còn hạn hẹp nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm còn thiếu đồng bộ; đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Tổ chức bộ máy, năng lực quản lý Nhà nước đối với các CCN trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có giải pháp đồng bộ và sự chỉ đạo quyết liệt trong việc đầu tư hạ tầng các CCN theo các tiêu chí quy định đảm bảo thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư. Năng lực của một số chủ đầu tư các CCN còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, quản lý phát triển cũng như thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh vào các CCN. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn; hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh hiệu quả chưa cao, nhất là công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đầu tư, khai thác các CCN, hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính và đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; huy động nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đảm bảo kết nối thuận lợi đến các CCN và các dự án hạ tầng kinh tế khác, tạo điều kiện thuận lợi tăng năng lực thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh tại các CCN. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, xây dựng và ban hành cơ chế quản lý các CCN tại các huyện, thành phố nhằm đảm bảo quản lý thống nhất, có hiệu quả trong thực hiện phát triển các CCN. Chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... tại các CCN. Sở Công Thương tham mưu các giải pháp để quản lý tốt việc phát triển CCN theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN. UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các CCN; trong đó chú trọng quản lý, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư sản xuất công nghiệp và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... tại các CCN./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý