Nhiều người trẻ khởi nghiệp ở các làng quê mang trong mình ngọn lửa đam mê và khát vọng, sẵn sàng vượt qua khó khăn để bắt đầu hành trình mới nhiều thử thách. Một trong những thanh niên tiêu biểu đó là anh Lê Tiến Đạt, sinh năm 1993 ở xã Hải Cường (Hải Hậu) với mô hình trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đoàn viên, thanh niên xã Hải Cường (Hải Hậu) tham quan mô hình trồng rau sạch của anh Lê Tiến Đạt. |
Nghe chuyện về chàng thanh niên Lê Tiến Đạt khoác ba lô rời Thủ đô Hà Nội về quê khởi nghiệp từ trồng rau sạch đã nhiều nhưng khi được tận mắt chứng kiến mô hình của anh, chúng tôi càng thán phục. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, chuyên ngành bảo hiểm nông nghiệp năm 2015, nhưng Đạt lại có ý tưởng khởi nghiệp từ trồng rau khi làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên về nghiên cứu bảo hiểm nông nghiệp. Trong những lần đi nghiên cứu thị trường, được giao nhiệm vụ khảo sát về mức thu nhập của người nông dân để sản xuất rau màu, trồng cây ăn quả, anh có dịp gặp gỡ nhiều chủ trang trại mới học hết trung học cơ sở đã trở thành tỷ phú và thầm cảm phục về ý chí, nghị lực, quyết tâm của họ. Bản thân mình được ăn học sao lại không bằng họ, chính câu hỏi đó luôn thường trực trong Đạt. Năm 2016, anh quyết định nghỉ việc, dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu, đi thực tế các trang trại ở Đà Lạt, Bình Thuận, Bắc Ninh để tham quan các mô hình trồng rau công nghệ cao và tìm hướng đi mới cho riêng mình. Nhớ lại thời gian khởi nghiệp, anh Đạt gặp rất nhiều khó khăn, trong đó ý tưởng làm giàu từ trồng rau bị gia đình phản đối kịch liệt. Hơn nữa, chi phí đầu tư tốn kém, mạo hiểm, trong khi kỹ thuật chưa có, cơ hội thành công thấp. Kiên trì thuyết phục một thời gian dài, cuối cùng gia đình cũng đồng ý. Qua tìm hiểu thực tế, quê hương có nhiều chính sách ưu đãi và có tiềm năng để phát triển mô hình trồng rau sạch, nhất là vùng đất màu mỡ quanh năm tươi tốt, Đạt mạnh dạn thuê 500m2 đất của người bác họ ở xóm 7 xã Hải Cường để thực hiện ước mơ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VieGap của mình. Nói là làm, Đạt nhờ bố mẹ, anh em, bạn bè vay mượn 700 triệu đồng để khởi nghiệp, xây dựng nhà kính, mua giàn giá thể trồng rau, hệ thống đường ống dẫn dưỡng chất, tưới phun sương... Trên diện tích canh tác, anh chia làm 2 loại để trồng rau thủy canh và trồng các loại cây ăn quả với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đó là công nghệ và thiết bị hiện đại từ van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, vòi phun áp lực thấp để phun mưa loại nhỏ. Đặc biệt, hệ thống thông minh này ngoài tiết kiệm nước còn được điều khiển bởi máy tính và cảm biến sẽ tự động đóng mở van tưới khi nhận thấy độ ẩm của rễ cây đạt mức thích hợp. Đối với cây ăn quả, anh đầu tư mua giống dưa lê Hàn Quốc về trồng thử nghiệm một năm một vụ và xen canh trồng dưa chuột để gối vụ cũng như cải tạo chất đất. Những kinh nghiệm của bản thân và qua quá trình học hỏi, tìm tòi, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột trong nhà kính của anh đã cho kết quả tốt ngay từ vụ đầu tiên thu hoạch. Với tiêu chí không hóa chất, không thuốc tăng trưởng, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 1-2 tấn dưa lê/vụ với giá bán từ 50-55 nghìn đồng/kg và 1 tấn dưa leo/vụ với giá bán 40 nghìn đồng/kg. Bên cạnh trồng cây ăn quả, Đạt trồng gần 10 loại rau thủy canh khác nhau, trong đó có xà lách, cải ngọt, cải canh... Bình quân 35-40 ngày đã có thể thu hoạch một lứa rau cải ngọt, trong khi rau muống hay rau xà lách chỉ cần 20-25 ngày kể từ khi gieo hạt là đã cho thu hoạch. Trong vườn rau của anh Đạt còn có cả những loài rau ăn lá mới như cải xoăn kale nhập hạt giống từ Hà Lan bán được giá khá cao. Với 35 nghìn đồng/kg rau xà lách, 40-45 nghìn đồng/kg cải xoăn, 30-40 nghìn đồng/kg cải ngọt. Sau khi trừ chi phí, Lê Tiến Đạt thu lãi hàng chục triệu đồng/vụ. Hiện sản phẩm rau sạch của anh Đạt chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng bán thực phẩm sạch và bán lẻ đến tận người tiêu dùng Hà Nội. Định kỳ hàng tháng, các cửa hàng cho người về kiểm tra và đến khi gần thu hoạch sẽ lấy mẫu kiểm tra độ an toàn. Bằng việc tận dụng các vật liệu như dùng xơ dừa làm giá thể, ly rau câu làm bầu ươm, ống nước làm giàn trồng..., anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất. Đặc biệt, nhờ nhanh nhạy trong khâu tiếp thị sản phẩm nên rau sạch của anh luôn được khách hàng tín nhiệm, yên tâm đặt hàng. Để đảm bảo yêu cầu cung cấp sản phẩm thường xuyên và lâu dài, anh Đạt canh tác rau theo kiểu “cuốn chiếu”, tức gieo trồng và thu hoạch liên tục. Theo anh Đạt, trồng rau thủy canh trong nhà kính tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại tuổi thọ công trình dài. Trong đó mái che sử dụng trên 7 năm và khung nhà trên 15 năm. Quan trọng là rau trồng thủy canh kiểu này không bị ảnh hưởng thời tiết bất lợi bên ngoài nên năng suất cao, kiểm soát được dịch bệnh và tiêu chuẩn chất lượng. Anh Đạt cho biết: “Trồng rau an toàn không quá khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, tuân thủ theo quy trình sản xuất. Mọi công đoạn từ xây dựng nhà kính, chọn giống cây trồng, phân bón, đến đường ống dẫn nước tưới... đều được sử dụng đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm thu hoạch phải sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Để đáp ứng yêu cầu này, một trong những khâu khá quan trọng đối với việc trồng rau hiện nay là vấn đề nước sạch, phải cung cấp đầy đủ và thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây”.
Hiện nay vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nơi chưa tuân thủ đúng kỹ thuật nên sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Với nhiều ưu điểm trồng rau trong nhà kính, hạn chế sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sâu bệnh gây hại, năng suất tăng gấp 3-4 lần so với ngoài trời, mô hình trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao của anh Đạt hiện đang được nhiều hộ gia đình nông dân đến học tập, áp dụng./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh